Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các doanh nghiệp ASEAN và đối tác tại tọa đàm. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Ngày 23.4, trong khuôn khổ Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone – nước Chủ tịch ASEAN 2024 – đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác, theo TTXVN.
Tọa đàm có chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết, tự cường và bền vững: Nắm bắt thời cơ trong thời đại số”.
Mở đầu tọa đàm, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone cho rằng, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới, diễn ra trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Do đó, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các chủ thể, trong đó có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, khối tư nhân với Chính phủ các nước và giữa các nước với nhau. Qua đó, tận dụng tối đa lợi ích, đồng thời hạn chế, khắc phục tối đa những thách thức do công nghệ số mang lại.
Thủ tướng Sonexay Siphandone cho biết, là nước Chủ tịch ASEAN 2024, Lào đang thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Lào cũng xây dựng các khung chính sách, thúc đẩy chuyển đổi số trong ASEAN, qua đó thúc đẩy hợp tác, tận dụng tối đa lợi ích công nghệ số mang lại, biến ASEAN thành chủ thể có tính cạnh tranh cao, ứng phó hiệu quả với các thách thức.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone (thứ 2 từ trái sang) đồng chủ trì tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN và các đối tác. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư ASEAN và các đối tác tăng cường hợp tác, đồng hành và hỗ trợ thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển kinh tế số, gồm phát triển ngành công nghệ thông tin, truyền thông; thúc đẩy số hóa các ngành, lĩnh vực gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực quản trị số, phát triển dữ liệu số; hỗ trợ Việt Nam về về tài chính, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và phát triển hạ tầng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất 3 định hướng đột phá nhằm đưa ASEAN trở thành một hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu.
Trong đó, thúc đẩy tiếp cận bình đẳng trong chuyển đổi số, kinh tế số trên nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, bảo đảm minh bạch, an toàn, bao trùm, bền vững, để mọi người dân, doanh nghiệp, cộng đồng đều tham gia và thụ hưởng thành quả; thúc đẩy mạnh mẽ tự lực, tự cường, tự chủ của ASEAN trong chuyển đổi số, trên cơ sở các yếu tố đặc thù, tiềm năng, lợi thế của từng nước, khẩn trương hoàn tất Hiệp định khung ASEAN về kinh tế số, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả.
Cùng với đó, thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, toàn diện trong phát triển kinh tế số của ASEAN; thực hiện theo lộ trình và có bước đi đồng bộ, phù hợp với năng lực của từng quốc gia; đồng thời chú trọng giải quyết những vấn đề chung, mang tính toàn cầu, ảnh hưởng đến toàn dân như sức ép chuyển dịch cơ cấu lao động, an ninh mạng, tội phạm mạng, mặt trái của trí tuệ nhân tạo…; không để ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình số hóa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị các nước, các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN và các đối tác tăng cường hợp tác về chuyển đổi số để góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ số hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ trong các ngành, lĩnh vực để tạo ra động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng, cộng đồng doanh nghiệp của ASEAN và các nước đối tác sẽ nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, nỗ lực gắn kết, tự lực, tự cường, tự chủ, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, đóng góp quan trọng vào sự phát triển nhanh, bền vững, bao trùm của từng quốc gia thành viên ASEAN, khu vực và thế giới.
Laodong.vn