Ngày 16-3, kết luận hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra nhiều nội dung trọng tâm trong thời gian tới.
Để phát triển nhà ở xã hội, thực hiện xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, Thủ tướng yêu cầu tích cực rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phát triển thị trường bất động sản, trong đó có các nội dung liên quan đến nhà ở xã hội.
Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó có nhiều cơ chế ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội. Các bộ tích cực rà soát, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, ban hành các văn bản hướng dẫn với nhiều nội dung mới, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn… phấn đấu hoàn thành và báo cáo Quốc hội để xin có hiệu lực sớm hơn từ 1-7-2024 (hiệu lực hiện nay là từ 1-1-2025).
Chỉ ra những tồn tại trong việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn, Thủ tướng cho rằng, mức lợi nhuận quy định tối đa chỉ 10% theo Luật Nhà ở năm 2023 với chủ đầu tư nhà ở xã hội không phải là cao nếu mất thêm các chi phí tuân thủ khác. Nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp cũng mất hào hứng.
Cùng với đó, thời gian triển khai thành công một dự án khá lâu, từ 3-5 năm, dẫn tới không hấp dẫn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng triển khai. Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng cơ bản giống dự án đầu tư thông thường. Còn một số khó khăn khác liên quan điều kiện, đối tượng được mua nhà ở xã hội. Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn (mới cam kết cấp tín dụng được 5,8%, giải ngân chưa được 1%)…
Chỉ rõ các quan điểm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Thủ tướng trước hết khẳng định, nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán.
Không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, hay không phải nhà ở xã hội thiếu hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước, không bảo đảm vệ sinh môi trường… Nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua.
Giao các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp.
Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị cấp ủy có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển nhà ở xã hội, HĐND ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương. Các địa phương nhiệm vụ quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, mua nhà, từ đó phát triển được bất động sản, khu đô thị bền vững.
Tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, tài chính, kinh nghiệm, triển khai công khai minh bạch và tăng tỉ lệ ký quỹ, bảo lãnh để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tốt. Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện.
Thủ tướng cũng yêu cầu có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương đăng ký chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phấn đấu trong năm 2024, mỗi bộ thực hiện 5.000 căn hộ nhà ở xã hội; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam 2.000 căn… Các tỉnh, thành quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu, số lượng nhà ở xã hội năm 2024 được Bộ Xây dựng tập hợp.
Thủ tướng cũng đề nghị các chủ thể liên quan tích cực tham gia phong trào xóa nhà tạm trên phạm vi toàn quốc được phát động trong thời gian tới.
PHAN THẢO