Sáng 29.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, với tinh thần đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, Việt Nam đã vượt qua đại dịch Covid-19.
Việt Nam trở thành một trong những nước “đi sau nhưng về trước” về phòng chống dịch, mở cửa các hoạt động kinh tế xã hội trong nước từ 11.10.2021 và mở cửa với quốc tế từ 15.3.2022.
Dù trong phòng chống dịch có nhiều ý kiến khác nhau nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế và điều quan trọng là chúng ta đã đoàn kết, trên dưới một lòng để làm được những điều tưởng như không làm được, đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Thủ tướng cũng xúc động nhắc lại những thời khắc cam go, vất vả trong phòng, chống dịch, trải qua những thời gian khó khăn nhất với nhiều lo lắng, trăn trở trong tình huống dịch bệnh chưa có tiền lệ, không dự báo được tình hình, khả năng lây lan và độc lực của virus, cũng như hậu quả của việc nhiễm bệnh.
Việc phòng chống dịch ở thời điểm đó là vô cùng khó khăn khi trong tay không có vắc xin, không có kit test… ngoài hệ thống y tế được thiết lập trong điều kiện bình thường và không thể đáp ứng trong điều kiện bất thường, khẩn cấp về y tế.
Nhìn lại hơn 3 năm phòng chống dịch, Thủ tướng cũng nhắc lại những mốc quan trọng trong quá trình phòng chống dịch của Việt Nam. Với gần 100 triệu dân, việc áp dụng công nghệ là cần thiết.
Đặc biệt, chúng ta đưa ra chiến lược vắc xin với 3 thành tố quan trọng là Quỹ vắc xin, ngoại giao vắc xin và chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay miễn phí cho toàn dân.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến, đại diện Tiểu ban An ninh, trật tự, chỉ tính riêng trong đợt dịch thứ tư, lực lượng công an đã huy động trên 3,3 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ, giữ vai trò nòng cốt.
Lực lượng công an đã thiết lập 10.300 tổ, chốt khu cách ly và các bệnh viện dã chiến với trên 560.000 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia truy vết, khoanh vùng phòng chống dịch; huy động hàng nghìn lượt trinh sát của bộ xuống địa bàn cơ sở.
Trên 6.000 cán bộ, chiến sĩ công an đã bị mắc Covid-19, 11 chiến sĩ đã tử vong do Covid-19, trong đó có 6 đồng chí đã hy sinh trong qua trình làm nhiệm vụ phòng chống dịch.
Ngoài các nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch, Bộ Công an cũng đã triển khai nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong công tác tiêm chủng, khai báo y tế và hộ chiếu vắc xin…
Huy động được gần 18.000 tỉ đồng đóng góp trong dân
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cuộc vận động, kêu gọi toàn dân đóng góp chống dịch đã huy động được tiền mặt và hiện vật trị giá khoảng 2.900 tỉ đồng ở cấp T.Ư. Tại các địa phương huy động được khoảng trên 15.000 tỉ đồng.
Số tiền tiếp nhận của T.Ư phần lớn được chuyển về Quỹ vắc xin do Bộ Tài chính quản lý (khoảng 79%), còn lại chuyển cho các địa phương để hỗ trợ các lực lượng y tế tuyến đầu.
Việc tổ chức kêu gọi, vận động, tiếp nhận, quản lý, phân bổ, sử dụng được thực hiện chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch lần đầu xuất hiện trên phạm vi rất rộng và diễn biến khó lường, chưa có tiền lệ, yêu cầu chống dịch phải nhanh chóng, do đó, quá trình vận động, quản lý, phân bổ nguồn lực cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt là các căn cứ pháp lý”, bà Hà nêu và cho biết, sau khi đại dịch lắng xuống, cơ quan kiểm tra, kiểm toán đã phát hiện một số nơi có sai sót, xuất phát từ những khó khăn như đã đề cập.
Từ thực tế trên, bà Hà cũng nêu 2 kiến nghị: thứ nhất, với khoản kinh phí các địa phương vận động được và thực hiện tại chỗ theo quy định về “4 tại chỗ”, đề nghị Thủ tướng không yêu cầu phải thu hồi để nộp về Quỹ vắc xin.
Thứ hai, kinh phí phòng, chống dịch còn dư, trong đó T.Ư còn dư 118 tỉ đồng, địa phương còn dư 814 tỉ. Bà Hà đề nghị nếu không còn nội dung hỗ trợ thì chuyển toàn bộ kinh phí này về T.Ư theo quy định của Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, để sử dụng trong các vụ thiên tai, sự cố, dịch bệnh, ở các địa phương thì trực tiếp sử dụng.
Thanhnien.vn