(Chinhphu.vn) – Sáng 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp phiên thứ 10 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT.
Dự phiên họp có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo là bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; đại diện các ban quản lý dự án, các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các nhà đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu xây lắp.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, từ khi thành lập, đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo đã bám sát thực tế, theo dõi, chỉ đạo điều hành quyết liệt, thúc đẩy triển khai công trình, dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn lao động, bảo đảm vệ sinh môi trường; kịp thời tháo gỡ khó khăn, bất cập, thách thức trong quá trình triển khai; rà soát cơ chế, chính sách điều chỉnh, bổ sung kịp thời, phù hợp thực tiễn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng để triển khai các dự án, nhất là các dự án quy mô lớn…
Theo Thủ tướng, hiện nay, cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT tại 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai TPHCM. Do đó, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo là rất lớn.
Sau 9 phiên họp, Ban Chỉ đạo có thêm nhiều kinh nghiệm, các công trình, dự án được triển khai tốt hơn, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các thành viên Ban Chỉ đạo, nhất là ngành GTVT và các địa phương có dự án trên địa bàn đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm… trong tất cả các khâu từ thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, quản lý dự án, chăm lo cho cuộc sống, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng…
Tại phiên họp lần thứ 9, Ban Chỉ đạo đã đề ra 40 nhiệm vụ, trong đó có 16 nhiệm vụ có thời hạn. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại phiên họp thứ 10 này, các bộ, ngành, địa phương báo cáo, thảo luận kết quả thực hiện; những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; đề xuất các giải pháp để thúc đẩy triển khai các dự án trong thời gian tới.
Trong đó, lưu ý nêu các vấn đề như thủ tục đầu tư; việc cấp, khai thác mỏ vật liệu thông thường phục vụ các dự án theo cơ chế, chính sách đã được ban hành, tránh tiêu cực; vấn đề phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, năng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra và có công cụ để can thiệp, xử lý, khen thưởng kịp thời; tiến độ bàn giao mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; chuyển mục đích sử dụng rừng…, trên tinh thần “bàn làm, không bàn lùi”.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tiếp tục cập nhật thông tin về phiên họp.
Hà Văn – Cổng TTĐT Chính phủ