Cùng dự có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trưởng Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các thành viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và các chuyên gia, nhà khoa học.
Hội nghị lần thứ hai – Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ với chủ đề: Tham vấn quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm để các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ nhận thức được hơn nữa tầm quan trọng của công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, một địa bàn chiến lược, vùng kinh tế năng động và là cực tăng trưởng của cả nước; đây cũng là cơ hội để rà soát các công việc, nhiệm vụ đã làm được, chưa làm được và đang triển khai; qua đó, nhận diện được những khó khăn, vướng mắc, từ đó xác định quan điểm, phương hướng, nhiệm vu và giải pháp phù hợp trong thời gian tới để phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ toàn diện, bền vững.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận nhiều về quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp trong quy hoạch vùng lần này; trong đó nổi lên 5 nhóm vấn đề lớn là về cấu trúc phát triển tổng thể của vùng với 3 tiểu vùng; 6 vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ; 2 hành lang xanh – sinh thái gắn với các lưu vực sông; vùng động lực quốc gia với TP.HCM là cực tăng trưởng; đề ra định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp, phát triển dịch vụ tài chính theo hướng đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, về tư tưởng, quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, cần quán triệt, bám sát và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế-xã hội.
Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; kết nối với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh với tinh thần kiến tạo phát triển, liên kết vùng, quy hoạch phải mở để khi có biến động, vận dụng linh hoạt nhưng không vướng mắc; phải có nguồn lực để tổ chức thực hiện quy hoạch khoa học, hiệu quả; bám sát thực tiễn để thực hiện quy hoạch khả thi, triển khai bài bản, hiệu quả.
Thủ tướng nêu rõ, phải làm sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Vùng đối với quốc gia gồm các lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng, từ đó tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; tìm ra những điểm giống và khác nhau giữa các vùng, phát hiện các mâu thuẫn, tồn tại của Vùng, từ đó có giải pháp hoá giải.
Thủ tướng nhấn mạnh vai trò, vị trí, tiềm năng của vùng Đông Nam Bộ, đủ điều kiện cần để phát triển thành trung tâm, đầu tàu, mô hình mẫu về phát triển kinh tế-xã hội đất nước; Vùng phải là một trung tâm lớn nhất về kinh tế-xã hội của đất nước. Chúng ta phải chỉ ra và phát hiện ra vấn đề là tại sao, Vùng lại chưa phát triển được như vậy? Thủ tướng cho rằng, tiềm năng thì lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, hạ tầng chiến lược chưa tương xứng sự phát triển, tiềm năng của Vùng.
Về cách tiếp cận, tư duy, phương pháp luận là như thế nào? Theo Thủ tướng, chúng ta phải chọn cách tiếp cận đột phá chứ không phải là cách tiếp cận tịnh tiến, đột phá về tư duy, tầm nhìn chiến lược lâu dài, bám sát thực tiễn, dựa vào 3 trụ cột chính về con người, thiên nhiên, truyền thống văn hoá, lịch sử; con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, văn hoá truyền thống lịch sử là động lực.
Về huy động nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu kết hợp hài hoà nguồn lực bên trong và bên ngoài; nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, nguồn lực bên ngoài là đột phá.
Về mục tiêu, Thủ tướng yêu cầu chọn mục tiêu phát triển cao, không thể chọn phương án trung bình; đi theo đó là phải có lãnh đạo, chỉ đạo, nguồn lực, cơ chế, chính sách, cách tổ chức thực hiện.
Về cơ cấu kinh tế, Thủ tướng khẳng định cần phát triển nhanh và bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, con người là động lực đột phá, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo. Phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch là trọng tâm; phát triển kinh tế nông nghiệp trong đó coi trọng nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao với tinh thần nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh.
Về kết nối, Thủ tướng nêu rõ cần có kết nối kinh tế, giao thông, an ninh quốc phòng, các nguồn tài nguyên: phải phát triển mạnh cả 5 phương thức giao thông; lấy giao thông hàng không và giao thông thuỷ là kết nối quốc tế; các phương thức còn lại là kết nối nội địa; kết nối nền kinh tế của Vùng với Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ, bổ trợ và thúc đẩy nhau; kết nối quốc tế với Lào, Campuchia và ASEAN; kết nối với nền kinh tế cả nước; kết nối các trung tâm kinh tế lớn; kết nối liên thành phố quốc tế, thúc đẩy giao lưu nhân dân; kết nối về an ninh quốc phòng với Lào, Campuchia và ASEAN; kết nối liên quan an ninh nguồn nước, chống biến đổi khí hậu của Tiểu vùng sông Mekong.
Coi trọng huy động nguồn lực đa dạng của Trung ương và địa phương, tư nhân, hợp tác công tư; cơ chế, chính sách chính là nguồn lực với việc năng động, sáng tạo, linh hoạt; sử dụng vốn vay để tập trung phát triển hạ tầng, đi vào những dự án lớn có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.
Về các dự án lớn, Thủ tướng nêu rõ, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế gồm Cái Mép và Cần Giờ chứ không phải cảng Cái Mép riêng, cảng Cần Giờ riêng mà phải hình thành trung tâm logistics lớn của quốc tế. Về việc này, cần tổ chức hội thảo lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học nhưng cần phải hiểu rằng, chờ được đồng thuận toàn bộ thì chả bao giờ có đột phá. Muốn có sự đổi mới thì phải vượt lên sự bình thường. Vấn đề là chúng ta làm những gì có lợi cho dân, cho nước.
Về vấn đề môi trường, đối với Cần Giờ, nền kinh tế của chúng ta đủ sức và có nhiều công nghệ, kinh nghiệm do đó khi phát triển cảng Cần Giờ thì phải bảo đảm giữ gìn môi trường.
Tăng cường giao thông xanh, phát triển dự án trung tâm tài chính quốc tế; hệ thống tàu điện ngầm, đường sắt kết nối khu vực; nỗ lực đưa vào sử dụng sân bay Biên Hoà; tăng cường phối hợp giữa các tỉnh trong vùng, giữa các vùng, giữa các bộ, ngành; giữa các trung tâm lớn của thế giới cần chặt chẽ hơn.
Việc tổ chức thực hiện quy hoạch phải bài bản, lớp lang, có trọng tâm, trọng điểm, có cơ chế, chính sách thực hiện với tinh thần là cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý phải thông minh. Quy hoạch phải kết nối với các quy hoạch cao hơn và phù hợp với các quy hoạch thấp hơn.
Vũ Khuyên(VOV)