New Zealand dường như đang cố gắng gạt sang một bên những bất đồng với Trung Quốc để thúc đẩy hợp tác kinh tế đem lại thế “win-win’ cho đôi bên.
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm 6 ngày tới Bắc Kinh. (Nguồn: AP) |
Bất đồng dường như được hóa giải
Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc kéo dài 6 ngày (25-30/6).
Trong bối cảnh các nước phương Tây đang có xu hướng liên kết để “phi rủi ro hóa” Trung Quốc trong thời gian gần đây, việc nguyên thủ một quốc gia quan trọng ở Nam Thái Bình Dương dẫn đầu đoàn đại biểu thăm Trung Quốc một lần nữa phát đi tín hiệu cho thấy trong hệ thống đồng minh do Mỹ dẫn đầu vẫn có một số quốc gia xem trọng lợi ích kinh tế với Bắc Kinh, muốn tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại với Trung Quốc để phòng ngừa rủi ro sương mù kinh tế.
Thủ tướng New Zealand thăm Trung Quốc còn đồng nghĩa với sự kiện Trung Quốc mở rộng sức ảnh hưởng an ninh ở Nam Thái Bình Dương vào năm ngoái từng khiến các nước trong khu vực cảnh giác cao độ có thể được gạt sang một bên.
Sau chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Tổng thống Mỹ Joe Biden lập tức có những lời lẽ công kích Trung Quốc, điều này khiến cho quan hệ Mỹ-Trung vừa chớm có dấu hiệu ổn định trở nên căng thẳng trở lại.
Từng gọi Trung Quốc là “đối tác hợp tác quý giá”, Thủ tướng Chris Hipkins ngày 22/6 lên tiếng nói rằng không đồng ý với quan điểm của Tổng thống Joe Biden khi nói về Trung Quốc, rõ ràng có ý tránh xa những sóng gió ngoại giao không cần thiết, tránh để mất tập trung mục tiêu xúc tiến thương mại trong chuyến thăm Trung Quốc lần này.
Sương mù bao trùm lên triển vọng của nền kinh tế New Zealand đang bị lạm phát hành hạ. Các chuyên gia kinh tế lần lượt dự báo, nền kinh tế của nước này sẽ một lần nữa rơi vào suy thoái vào cuối năm nay, nguyên nhân là do Ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát khiến cho lãi suất thế chấp tăng mạnh, người dân thắt lưng buộc bụng, sức tiêu dùng suy yếu.
Đối diện với sự trì trệ của tình hình kinh tế, Chính phủ New Zealand một lần nữa hướng sự chú ý về phía Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc và New Zealnd ký Hiệp định thương mại tự do vào năm 2008, Trung Quốc đã thay thế Australia trở thành đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand vào cuối năm 2013. Trong số các hàng hóa xuất khẩu hàng năm của New Zealand, khoảng 30% được xuất sang Trung Quốc, giá trị khoảng 21 tỷ NZD. Nhu cầu của Trung Quốc rất quan trọng đối với nền kinh tế New Zealand.
So với các nước phương Tây, thái độ của New Zealand đối với Trung Quốc luôn có xu hướng ôn hòa. Tuy nhiên, việc Trung Quốc trừng phạt thương mại nước láng giềng Australia, ký thỏa thuận hợp tác cảnh sát với quốc đảo Nam Thái Bình Dương Solomon vào năm ngoái đã khiến cho New Zealand cảnh giác, có thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc trong thời gian gần đây, đăc biệt tháng 6/2022, nước này còn bắt đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bên cạnh đó, New Zealand còn tìm cách giảm phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua giảm 2 điểm % so với cùng kỳ xuống còn 29%, ghi nhận lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2015.
Có “lạc bước” với phương Tây?
Mặc dù vậy, đối diện với triển vọng kinh tế ảm đạm, hiện nay chính quyền của ông Chris Hipkins dường như không hào hứng đối với “phi rủi ro hóa”, muốn tìm cách đa dạng hóa thương mại với Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn.
Ngày 27/6, trong buổi gặp Thủ tướng Chris Hipkins tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc và New Zealand cần thúc đẩy tự do hóa, tiện lợi hóa thương mại và đầu tư, cung cấp môi trường kinh doanh tích cực cho doanh nghiệp hai bên, đồng thời cũng cần phải tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, du lịch…
Trong khi đó, Thủ tướng Chris Hipkins lại mô tả hai nước có “một trong những quan hệ quan trọng nhất và rộng rãi nhất” trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh trọng điểm của chuyến thăm lần này là hỗ trợ doanh nghiệp hai nước xây dựng lại và làm sâu sắc mối quan hệ, phù hợp với mục tiêu muốn thu hút đầu tư nước ngoài của Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc còn kêu gọi hai nước cần tiếp tục coi nhau là đối tác thay vì đối thủ, là cơ hội thay vì mối đe dọa, duy trì liên lạc và cùng giúp đỡ các quốc đảo Thái Bình Dương phát triển, nỗ lực tăng cường đối thoại, giảm bớt sự lo ngại của New Zealand đối với các hoạt động an ninh của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.
Ngày 28/6, trong cuộc hội đàm với Chris Hipkins tại Đại lễ đường Nhân dân, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh, cánh cửa của Trung Quốc sẽ ngày càng mở rộng hơn, sẵn sàng chia sẽ những cơ hội mới từ sự phát triển của Trung Quốc cho New Zealand, khai thác tiềm năng các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, công nghiệp sáng tạo… tạo động lực mới cho việc hợp tác trên các lĩnh vực mới nổi.
Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường và Chris Hipkins cùng chứng kiến lễ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác song phương như khoa học công nghệ, giáo dục, nông nghiệp.
Cùng ngày, Trung Quốc và New Zealand đã ra tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đồng ý tăng cường trao đổi cấp cao, làm sâu sắc hợp tác, tăng cường hiểu biết, kiểm soát khác biệt.
New Zealand hoan nghênh Trung Quốc gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cũng như tham gia các cuộc thảo luận chuyên sâu đang diễn ra của nhóm công tác Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế số (DEPA).
Hiện nay, New Zealand và Trung Quốc có lợi ích chung trong việc khắc phục nền kinh tế sa sút và Trung Quốc cũng muốn New Zealand sẽ không ngả hơn về khối quân sự phương Tây, nên có động lực gạt sự khác biệt sang một bên.
Tuy nhiên, cùng với căng thẳng địa chính trị Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không ngừng gia tăng, tiếng nói yêu cầu giảm thiểu sự phụ thuộc vào Trung Quốc ở New Zealand ngày càng mạnh, xu hướng hợp tác dựa trên nhu cầu thương mại của hai bên liệu có thể tiếp tục vượt qua trở ngại hay không vẫn cần phải quan sát thêm.