(TN&MT) – Chiều 12/11, để làm rõ hơn một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giải đáp thêm các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Làm rõ giải pháp đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thời gian tới
Đặt vấn đề chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết, Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả một cách thực chất hoạt động của bộ máy hành chính phải gắn với phân cấp, phân quyền hợp lý giữa các cấp.
Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra thời gian qua, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật chuyên ngành còn chậm; việc phân cấp, phân quyền chưa tính tới đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và khả năng quản lý của từng cấp, từng ngành, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của từng địa phương. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ với các bộ, ngành, các địa phương trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Làm rõ giải pháp hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát
Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Yến cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định cải cách thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng để tháo gỡ rào cản, tạo môi trường, động lực phát triển kinh tế- xã hội. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ làm rõ những điểm nhấn quan trọng nhất trong thời gian tới là gì?
Bên cạnh đó, nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát đang hết sức cấp bách. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết rõ giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2025.
Đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Làm rõ những giải pháp căn cơ, dài hạn để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới
Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Âu Thị Mai cho biết, việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai là vấn đề quan tâm của toàn cầu. Nhân dân và cử tri rất cảm động, đánh giá cao cách ứng phó kịp thời, hiệu quả, nhân văn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi xảy ra thiên tai, rõ nét nhất là việc ứng phó với cơn bão số 3 vừa qua.
“Để kịp thời động viên tinh thần đồng bào để vượt qua khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những giải pháp trước mắt và lâu dài được cử tri và nhân dân đánh giá rất cao. Tuy nhiên, nhân dân và cử tri mong muốn Thủ tướng Chính phủ cho biết rõ hơn về những giải pháp căn cơ, dài hạn để ứng phó với thiên tai trong thời gian tới”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy – Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng: Giải quyết dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém
Đánh giá cao sự quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ qua việc xử lý các dự án tồn đọng, vướng mắc kéo dài nhiều năm ở Trung ương và các địa phương, tuy nhiên, còn một số dự án tồn đọng và tổ chức tín dụng yếu kém vẫn chưa được xử lý. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Thủ tướng cho biết nguyên nhân, giải pháp về cơ chế và tiến độ trong thời gian tới ?
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Giải pháp khắc phục bất cập để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết về thêm những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài phát biểu tại phiên họp khai mạc kỳ họp thứ 8 ngày 21/10/2024
Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Giải pháp thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia?
Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết giải pháp trong chỉ đạo điều hành sắp tới để thực hiện thành công các dự án quan trọng quốc gia?
Đại biểu Bế Trung Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Lộ trình hoàn thành thể chế số ở Việt Nam
Theo đại biểu Bế Trung Anh, chuyển đổi số là một lĩnh vực mới, khó bao gồm các nội dung rộng lớn như Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và có tác động vĩ mô. Đại biểu chất vấn Thủ tướng Chính phủ là việc chuyển đổi số liệu cần có cơ sở lý luận về chuyển đổi số không? Ngoài ra, khi nào Việt Nam hoàn thành lộ trình thể chế số?
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn
Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề phân cấp phân quyền, Thủ tướng Chính phủ cho biết, đây là vấn đề lớn, đã được thảo luận nhiều lần, được triển khai trong thực tiễn. Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 14 luật, 9 Nghị quyết liên quan, bổ sung, thay thế 27 Nghị định. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, tập trung chủ yếu ở trung ương.
Đưa ra giải pháp, Thủ tướng cho rằng cần rà soát lại thể chế, các quy định pháp luật, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, cụ thể là Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn; tăng cường giám sát, kiểm tra. Phân cấp phân quyền cần đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp.
Đối với câu hỏi về cải cách thể chế, Thủ tướng Chính phủ cho rằng trọng tâm trong cải cách thể chế là phân cấp, phân quyền. Bên cạnh đó, cần ưu tiên tăng trưởng, muốn tăng trưởng thì phải có nguồn lực. Nếu cứ tăng trưởng với tốc độ 6-7%/năm như hiện nay thì ta rất khó đạt được mục tiêu 100 năm đã đặt ra. Để thực hiện được ưu tiên tăng trưởng, phải tháo gỡ vướng mắc thể chế để huy động mọi nguồn lực của nhà nước, nhân dân, xã hội, của nước ngoài trực tiếp và gián tiếp.
Đối với việc xóa nhà tạm, nhà dột, Thủ tướng cho rằng, đây là chủ trương lớn, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo. Hiện nay, nước ta còn hơn 300.000 hộ có nhà dột nát, trong đó có cả những người có công với cách mạng, đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các hộ nghèo, cận nghèo. Với quyết tâm rất cao xóa hết nhà dột, nhà tạm trong năm 2025, Thủ tướng cho rằng cần thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới cơ sở để thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và sử dụng nguồn lực. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ vướng mắc về đất đai, thực hiện nguyên tắc “không có tranh chấp là có thể triển khai được”. Về huy động nguồn lực, cần đa dạng hóa nguồn lực. Lực lượng quân đội và công an cũng sẵn sàng nhân lực và nguồn lực để cùng triển khai. Chính phủ nỗ lực cân đối để có nguồn lực chi cho chương trình lớn này.
Trả lời câu hỏi về giải pháp căn cơ, dài hạn để phòng, chống thiên tai, bão lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho rằng, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này, tuy nhiên, các diễn biến của thời tiết rất cực đoan, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu, toàn dân, toàn diện, ta cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ, chung tay của toàn cầu để cùng thực hiện. Chúng ta cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng liên quan đến chống biến đổi khí hậu, hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình thực tế. Trong huy động nguồn lực, cần có nguồn lực của nhà nước, nguồn lực hỗ trợ của các đối tác, nguồn vốn vay. Hiện nay, các nguồn lực đang được ưu tiên bố trí cho vấn đề này. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực quản trị trong ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao tính tự lực, tự cường của các địa phương.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Thủ tướng Chính phủ cho biết, hiện nay có nhiều dự án tồn đọng kéo dài. Với sự nỗ lực của Bộ Chính trị, của Quốc hội, của Chính phủ trong thời gian vừa qua, đến nay 12 đại dự án tồn đọng kéo dài đã cơ bản xin chủ trương của Bộ Chính trị, trên cơ sở đó, Chính phủ đang thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Nội dung nào vượt nhiệm vụ, quyền hạn, Chính phủ sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội. Chính phủ cũng sẽ rà soát các dự án tương tự, xử lý trên tinh thần tôn trọng hiện trạng, tháo gỡ những vướng mắc của pháp luật.
Trả lời câu hỏi về cơ sở lý luận, Thủ tướng cho rằng, lý luận soi đường, nhưng lý luận cũng phải dựa trên thực tiễn, vì vậy, trước hết cần tổng kết thực tiễn. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu hướng, phong trào, yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, vì vậy cần có lý luận. Muốn có lý luận thì cần tổng kết thực tiễn, để từ đó có giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Việc tổng kết cần được thực hiện cẩn trọng, cần có lộ trình để hoàn thiện thể chế một cách phù hợp và hiệu quả.
Trả lời vấn đề đại biểu chất vấn liên quan đến không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, Thủ tướng cho biết, trong quá trình hoạt động, có những vấn đề mới phát sinh, hệ thống pháp luật chưa kịp cập nhật. Những vấn đề mới phát sinh đều khó, cần huy động nguồn lực lớn, do đó cần phải tập trung hoàn thiện thể chế. Bởi thể chế là mục tiêu, là động lực, là nguồn lực cho sự phát triển nên chúng ta tiếp tục phải hoàn thiện thể chế này, không chỉ có phát triển xanh và tất cả các lĩnh vực phát triển chung của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chúng ta muốn đột phá, cũng phải đột phá từ thể chế. Trong quá trình triển khai cũng nảy sinh một số việc, do vậy cần rà soát lại, trong đó nhiệm vụ xây dựng cái thể chế để quy định cái gì được làm, cái gì không được làm, cái gì là mở rộng không gian sáng tạo. Quan điểm của Đảng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mọi công dân, cho doanh nghiệp, tôn trọng quyền con người trong kinh doanh, trong phát triển kinh tế – xã hội. Vì thế, đi theo đó là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, cũng như quan hệ hành chính, nhưng cũng phải xây dựng thể chế, quy định rõ ràng. Tuy nhiên, đối với tình trạng buôn lậu, trốn thuế, thao túng, găm hàng đội giá, thao túng thị trường… thì phải xử lý.
Liên quan đến xây dựng thể chế cho quản lý các hoạt động trên không gian mạng, Thủ tướng khẳng định, không gian thực như thế nào, không giản ảo như thế, do vậy, quản lý trên không gian mạng cũng như quản lý trong đời thực.
“Với tinh thần như Tổng Bí Thư đã chỉ đạo là bỏ tư duy không quản lý được thì cấm. Tức là tinh thần xây dựng thể chế phải vừa phục vụ cho việc quản lý, nhưng vừa mở ra không gian đổi mới sáng tạo, khuyến khích mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi chủ thể đổi mới sáng tạo. Đổi mới để bay cao và sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/thu-tuong-chinh-phu-truc-tiep-tra-loi-chat-van-cua-dai-bieu-quoc-hoi-383021.html