Sáng 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030. Tham dự có đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cao Bằng có đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và một số ban, ngành, các huyện, Thành phố.
Giai đoạn 2019 – 2021, cả nước thực hiện sắp xếp 21 ĐVHC cấp huyện, 1.056 ĐVHC cấp xã, giảm 8 ĐVHC cấp huyện và 561 ĐVHC cấp xã; giảm 429 cơ quan ở cấp huyện, 3.437 cơ quan ở cấp xã. Tinh giản biên chế 361 cán bộ, công chức cấp huyện, 6.657 cán bộ, công chức cấp xã; giảm chi ngân sách Nhà nước khoảng 2.008 tỷ đồng. Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp đều được kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp và người dân.
Hội nghị quán triệt các nội dung: Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030; Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.
Hội nghị hướng dẫn các bước thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; việc rà soát, bổ sung thực hiện các chính sách theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 tại các ĐVHC cấp huyện, cấp xã; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; việc điều chỉnh địa giới hành chính; việc quản lý tài chính, biên chế; thực hiện cung cấp số liệu dân số, diện tích tự nhiên, chỉnh lý hồ sơ địa chính sau khi sắp xếp ĐVHC; rà soát, điều chỉnh, công nhận là huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đối với ĐVHC cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp; xác định ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc khu vực biên giới, trọng điểm quốc phòng…; các nội dung khác thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành.
Các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và những khó khăn, vướng mắc sau sắp xếp trong thời gian qua; bàn giải pháp thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.
Phát biểu tham luận tại hội nghị về “Kết quả thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021 và lộ trình, phương án, giải pháp thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”, Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh nhấn mạnh: Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của tỉnh. Cụ thể, tỉnh sắp xếp 6/13 ĐVHC cấp huyện (giảm 3 huyện, giảm 23,07%); sắp xếp 76/199 ĐVHC cấp xã (giảm 38 xã, giảm 19,1%). Đến ngày 30/6/2023, cấp huyện giảm 173 người (dôi dư 37 người), cấp xã giảm 667 người (dôi dư 128 người); dự kiến kết thúc năm 2024, số lượng cán bộ, công chức cơ bản đảm bảo theo quy định. Xây dựng phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với 330 cơ sở nhà, đất. Kinh phí thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh khoảng hơn 76 tỷ đồng. Sau 3 năm sáp nhập ĐVHC, hệ thống chính trị ở các địa phương được kiện toàn, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao, quốc phòng – an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, đời sống nhân dân cơ bản ổn định, góp phần giảm chi ngân sách do thực hiện sắp xếp ĐVHC trên 85,346 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tỉnh gặp một số khó khăn như: Thiếu hụt nguồn cán bộ trẻ do hạn chế công tác tuyển dụng; tác động về mặt xã hội đến các chủ thể liên quan; việc giảm số lượng ĐVHC dẫn đến giảm mức đầu tư các chương trình, chính sách có cơ chế phân bổ theo ĐVHC so với giai đoạn trước… Tỉnh kiến nghị Trung ương sớm xây dựng, ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện việc xây dựng Quy hoạch tổng thể ĐVHC các cấp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện chính sách hỗ trợ một lần đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021 tương tự như định mức hỗ trợ một lần đối với các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2030.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc sắp xếp ĐVHC là việc khó, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, cần xác định sắp xếp ĐVHC là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng cần tập trung triển khai thực hiện.
Đề nghị các cấp, ngành quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện sắp xếp ĐVHC sao cho linh hoạt, hợp lý, hiệu quả, bám sát tình hình thực tiễn, phù hợp với tình hình đất nước, địa phương theo từng giai đoạn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ nhận thức đến hành động; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị, nhân dân và các chủ thể có liên quan.
“Tư tưởng phải thông, quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, công khai, minh bạch”, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện về nhân lực, nguồn lực, tạo thuận lợi để thực hiện hiệu quả việc sắp xếp các ĐVHC đảm bảo theo đúng phương án, lộ trình đề ra. Tiến hành sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã một cách bài bản, khoa học, chắc chắn, kỹ lưỡng, không cầu toàn, không nóng vội, trên cơ sở công khai, minh bạch; đặc biệt cần tính đến các yếu tố đặc thù, lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; sắp xếp phù hợp với quy hoạch tỉnh, đô thị, nông thôn gắn với đổi mới hoạt động bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Quan tâm đến giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định, công khai, minh bạch, khách quan, dân chủ. Đảm bảo sau sắp xếp ĐVHC tạo sự ổn định về hệ thống chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể liên quan, mang lại hiệu quả chung cho đất nước, nhân dân.
T.L