Theo AFP, Thủ tướng Hun Manet cho biết việc xây đập trên dòng chính sông Mê Kông sẽ có “tác động rất lớn” đến môi trường và sinh thái của dòng sông cũng như hồ Tonle Sap (tức Biển Hồ), hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và là nguồn cá quan trọng của người dân Campuchia.
“Chính phủ sẽ không xây dựng thêm bất kỳ con đập nào nữa trên sông Mê Kông vì việc này có tác động rất lớn”, ông nói trong lễ khởi công một đập thủy điện ở tỉnh ven biển Koh Kong ngày 30.11.
Ông cũng chính thức tuyên bố hủy bỏ dự án nhà máy điện than Botum Sakor trị giá 1,5 tỉ USD, công suất 700 MW, tại công viên Botum Sakor được bảo vệ ở Koh Kong.
Theo kế hoạch trước đây, nhà máy điện Botum Sakor gồm hai tổ máy dự kiến đi vào hoạt động vào khoảng năm 2025.
Các quan chức Campuchia đang xem xét thay thế dự án bằng việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Ông Hun Manet nhắc lại rằng Campuchia sẽ không phát triển các nhà máy điện than mới để thể hiện “trách nhiệm của nước này đối với môi trường và khí hậu chung của thế giới”. Ông cho biết động thái này là thông điệp gửi tới các nước tại hội nghị về khí hậu COP28 khai mạc ngày 30.11 tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Theo ông Hun Manet, năng lượng tái tạo hiện chiếm 60% nguồn cung năng lượng của Campuchia. Ông cho biết tỷ lệ này dự kiến tăng lên thành 70% vào năm 2030 “để đất nước chúng tôi trở thành điểm đến năng lượng sạch cho du lịch và đầu tư”.
Vào tháng 12.2021, Campuchia đã công bố lộ trình để đạt được mục tiêu phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Lộ trình này bao gồm cam kết tăng cường năng lượng tái tạo, vốn chiếm phần lớn sản lượng điện của Campuchia nhờ vào thủy điện, cũng như cam kết đầu tư vào nhập khẩu, lưu trữ và cơ sở hạ tầng LNG.
Theo cơ quan điện lực nước này, than tạo ra 35,5% điện năng của Campuchia vào năm 2022, trong khi thủy điện chiếm gần 54%.