Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 của Quốc hội sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển năm 2025.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, tình hình KT-XH tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Ước tính cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.

Thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 7,6 triệu đồng

Khái quát những kết quả đạt được, Thủ tướng thông tin, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế cao hơn mục tiêu đề ra, các cân đối lớn được bảo đảm.

Trong năm qua, Chính phủ đã tập trung triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng, trọng điểm với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “3 ca, 4 kíp”, “xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: QH

Từ đó đã hoàn thành dự án 500kV mạch 3 Quảng BìnhHưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình điện trọng điểm; hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021km.

Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở và điều chỉnh lương hưu, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7, đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp để bảo đảm tăng lương nhưng không tăng giá; thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Thủ tướng cũng thông báo tin vui chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; giảm tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm; thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 7,6 triệu đồng, tăng 7,4%; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng 44/132, tăng 4 bậc so với năm 2022.

Nhắc đến diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong khó khăn, thử thách, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được phát huy; các lực lượng tuyến đầu cơ sở, nhất là quân đội, công an luôn xung kích, đi đầu, không quản ngại gian khổ, hy sinh để cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân, đã để lại những hình ảnh ấn tượng, tình cảm sâu nặng trong lòng nhân dân”.

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí tuân thủ, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thuận lợi.

Chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và triển khai Đề án 06 đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng 15 bậc, xếp hạng 71/193.

“Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì mới mà hay thì phải làm”

Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh việc đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu có các giải pháp đột phá trên tinh thần “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đạt rồi thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Đồng thời, giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá; bám sát thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Thủ tướng cũng yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trên tinh thần “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo” và tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng, phát triển đất nước trên tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”.

Hãy thắp lên ngọn lửa quyết tâm mãnh liệt

Về các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2025, Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đặc biệt, Thủ tướng đặt ra nhiệm vụ đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới”, tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Một nhiệm vụ nữa được Thủ tướng nhắc đến trong năm tới là tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia, nhất là các dự án mang tính chiến lược về hạ tầng giao thông, năng lượng.

Các đại biểu Quốc hội nghe Thủ tướng báo cáo về tình hình KT-XH. Ảnh: QH

Trong đó có quyết tâm đưa vào khai thác dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; hoàn thành các hạng mục chính của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; phấn đấu hoàn thành 3.000km cao tốc và phấn đấu khởi công tuyến đường sắt Lào CaiHà NộiHải Phòng.

Thủ tướng cũng nêu quyết tâm triển phấn đấu năm 2025 đạt 20 triệu lượt khách quốc tế; triển khai hiệu quả các đề án đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao; hoàn thành trên 100 nghìn căn nhà ở xã hội.

Ngoài ra, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng Chính phủ trong sạch, liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ; tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập; không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế…

“Phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng không khó khăn nào có thể cản được quyết tâm, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Mỗi thách thức là cơ hội để chúng ta trưởng thành, khẳng định sức mạnh và bản lĩnh của con người Việt Nam. Hãy thắp lên ngọn lửa quyết tâm mãnh liệt, cùng nhau tiến bước để xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước. Những nỗ lực không ngừng nghỉ hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng ngày mai, vì thế hệ tương lai như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quyết tâm.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra, đưa đất nước ta tự tin, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khẳng định vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Một số kết quả nổi bật năm 2024 Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2025
Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,82%; ước tính cả năm đạt 6,8-7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao (6-6,5%), thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, được nhiều tổ chức quốc tế lớn, có uy tín đánh giá cao.

Chỉ số CPI bình quân 9 tháng tăng 3,88%.

Thu ngân sách 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ; ước tính cả năm miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. 

Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đạt 578,5 tỷ USD, tăng 16,3%; xuất siêu gần 20,8 tỷ USD.

Thu hút FDI là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm.

Tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP. 

GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. 

Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%. 

Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. 

Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,4%. 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 29-29,5%. 

Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

 Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8-1%.

Vietnamnet.vn

Nguồn:https://vietnamnet.vn/thu-tuong-bien-moi-kho-khan-thanh-co-hoi-but-pha-dua-dat-nuoc-vao-ky-nguyen-moi-2333850.html