Trung Quốc từ chối bồi thường cho Philippines, Chủ tịch Trung Quốc thăm Tajikistan, Tổng thống Hàn Quốc tới Mỹ dự Thượng đỉnh NATO, Nga và Trung Quốc đề xuất hệ thống an ninh Á-Âu mới, Hezbollah và Hamas thảo luận về Gaza…là một số tin thế giới nổi bật trong 24 giờ qua.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết ông đã gọi điện chúc mừng lãnh đạo Công đảng Keir Starmer, đồng thời cũng xác nhận sẽ từ chức Thủ tướng Anh sau thất bại tại cuộc bầu cử ngày 5/7. |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á-Thái Bình Dương
*Nga và Trung Quốc đề xuất hệ thống an ninh Á-Âu mới: Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Astana, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiết lộ kế hoạch thành lập một tổ chức an ninh khu vực mới nhằm chống lại ảnh hưởng của NATO.
Tổng thống Putin đã phác thảo việc tạo ra một bộ hiệp ước an ninh tập thể mới trên khắp Á-Âu trong bài phát biểu của ông tại Astana. Sáng kiến này mang tính toàn diện, chào đón cả các thành viên NATO, nhưng với mục tiêu chính là giảm dần sự hiện diện quân sự bên ngoài trong các lãnh thổ Á-Âu, đặc biệt là liên quan đến Mỹ.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định rằng kỷ nguyên hiện nay do Mỹ thống trị kể từ Chiến tranh Lạnh đang bước vào giai đoạn chạng vạng. Hai nhà lãnh đạo cho rằng cần có sự thay đổi hướng tới một bối cảnh địa chính trị mới, nơi các quốc gia Á-Âu đóng vai trò then chốt hơn trong việc định hình động lực an ninh và hợp tác kinh tế khu vực. (THX)
*Chủ tịch Trung Quốc thăm Tajikistan: Ngày 5/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới nước láng giềng Tajikistan trong chuyến thăm chính thức nhằm thúc đẩy quan hệ song phương.
Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đưa quan hệ hợp tác toàn diện Trung Quốc – Tajikistan lên một tầm cao mới.
Trong tuyên bố bằng văn bản được công bố khi đến Tajikistan, ông Tập Cận Bình cho biết sẽ hội đàm với Tổng thống Emomali Rahmon và mong đợi hai bên sẽ đưa ra các kế hoạch, thỏa thuận mới để thúc đẩy quan hệ, đồng thời sẽ tiến hành trao đổi sâu sắc quan điểm về tình hình quốc tế và khu vực hiện tại.
Trước đây, ông Tập Cận Bình từng đến thăm Tajikistan vào các năm 2014 và 2019. (AFP)
*Ngoại trưởng Thái Lan, Belarus công du Trung Quốc: Theo thông báo ngày 5/7 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, nhận lời mời của Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị, Ngoại trưởng Thái Lan Maris Sangiampongsa sẽ thăm chính thức Trung Quốc và đồng chủ trì cuộc họp lần thứ hai của Cơ chế tham vấn giữa Ngoại trưởng hai nước từ ngày 9-10/7.
Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Maris cũng sẽ gặp ông Hàn Chính, Phó Chủ tịch Trung Quốc và ông Lưu Kiến Siêu, Trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Trước đó, Ngoại trưởng Belarus Maksim Ryzhenkov cũng có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 6-9/7. (THX)
*Lào, Kazakhstan ký thỏa thuận miễn thị thực: Ngày 5/7, Đài phát thanh quốc gia Lào đưa tin nước này và Kazakhstan đã ký thỏa thuận miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ.
Thỏa thuận trên được ký kết ngày 4/7 giữa Thứ trưởng Ngoại giao Lào Bounleua Phandanouvong và Đại sứ Kazakhstan tại Lào Kanat Tumysh.
Theo thỏa thuận, công dân hai nước mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ khi nhập cảnh, đi qua, ở lại và rời lãnh thổ của nhau sẽ được miễn thị thực tối đa 90 ngày trong vòng 180 ngày kể từ ngày nhập cảnh. (THX)
*Trung Quốc từ chối bồi thường cho Philippines sau vụ va chạm ở Biển Đông: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 4/7 cho biết Trung Quốc sẽ không đáp ứng yêu cầu của Philippines bồi thường 60 triệu peso (1,02 triệu USD) cho thiệt hại xảy ra trong vụ va chạm giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu hải quân Philippines trên Biển Đông hồi tháng trước.
Phát biểu họp báo, bà Mao Ninh nói: “Các tàu Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tiếp tế bất hợp pháp, xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc và dàn trận khiêu khích”. Bà cho rằng nhân viên tàu hải cảnh Trung Quốc đã hành động hợp pháp để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc. Bà kêu gọi Philippines chấm dứt các hành động khiêu khích và giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại.
Căng thẳng giữa hai nước gần đây leo thang sau vụ chạm trán ngày 17/6, trong đó nhân viên tàu hải cảnh Trung Quốc đụng độ và làm hỏng các tàu hải quân Philippines.(A.A.com)
*Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone thăm Singapore: Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Lào, nhận lời mời của Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ sang thăm và làm việc chính thức tại Singapore trong ngày 09/07/2024.
Mục đích chuyến thăm này là tiếp tục củng cố và thắt chặt quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Lào và Singapore ngày càng phát triển. (TTXVN)
*Trung Quốc phóng thành công nhóm vệ tinh thế hệ mới: Trung Quốc đã phóng thành công nhóm vệ tinh Thiên Hội 5-02 lúc 6:49 sáng 5/7 từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Thái Nguyên ở phía Bắc tỉnh Sơn Tây.
Tên lửa đẩy Trường Chinh-6 đã đưa nhóm vệ tinh trên đi vào quỹ đạo theo kế hoạch. Nhóm vệ tinh này sẽ được sử dụng để lập bản đồ địa lý, khảo sát tài nguyên đất đai, thí nghiệm khoa học và các mục đích khác.
Đây là sứ mệnh thứ 527 của loạt tên lửa đẩy Trường Chinh. (THX)
Châu Âu
*Ông Sunak tuyên bố từ chức Thủ tướng Anh: Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Anh Rishi Sunak đưa ra tuyên bố tại Phố Downing vào khoảng 16h30 (theo giờ Việt Nam) ngày 5/7 trước khi gặp Vua Charles để chính thức từ chức. Thông tin này do Văn phòng của ông Sunak công bố ngày 5/7 sau khi Công đảng đối lập giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử ở Anh.
Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Sunak cho biết thêm, Thủ tướng mới đắc cử, người của Công đảng Keir Starmer sau đó sẽ gặp Vua Charles tại Cung điện Buckingham trước khi có bài phát biểu tại Phố Downing vào khoảng 18h20 cùng ngày. (AFP)
*Nga phá hủy nhiều mục tiêu quân sự ở Biển Đen: Ngày 5/7, Thống đốc thành phố cảng Sevastopol Mikhail Razvozhayev cho biết máy bay chiến đấu của Nga tiêu diệt các mục tiêu trên không do quân đội Ukraine điều khiển ở Biển Đen, sau khi cảnh báo không kích vang lên ở thành phố này vào khoảng 10h55 theo giờ Moscow.
Trên kênh Telegram, ông Razvozhayev nêu rõ: “Các máy bay đang thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu trên không ở một khoảng cách đáng kể từ bờ biển. Toàn bộ lực lượng đã được đặt trong tình trạng báo động chiến đấu”.
Ông kêu gọi người dân thành phố và du khách giữ bình tĩnh, tuân thủ các biện pháp an ninh và ở trong những nơi trú ẩn tạm thời hoặc những nơi an toàn. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Ukraine nhận ‘cơn mưa viện trợ’ từ Mỹ và NATO |
*Hungary phủ nhận vai trò trung gian đàm phán giữa Ukraine và Nga: Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 5/7 tuyên bố rằng ông không có vai trò trung gian để đàm phán giữa Ukraine và Nga, sau khi truyền thông cho rằng ông sẽ đến Moscow cùng ngày để gặp Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin.
Thủ tướng Orban – vốn chỉ trích viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine, là người có mối quan hệ nồng ấm nhất trong số các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) với Tổng thống Putin – tuyên bố thực tế rằng việc Hungary đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của khối này không trao cho ông nhiệm vụ thay mặt EU để đàm phán.
Hồi đầu tuần, Thủ tướng Orban đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev và kêu gọi nhà lãnh đạo chủ nhà xem xét ngừng bắn để đẩy nhanh việc chấm dứt chiến tranh với Nga. Năm 2022, Thủ tướng Orban đã thăm Nga nhưng không gặp Tổng thống Putin, nhưng ông cũng đã gặp ông Putin ở một số nước khác. (AFP)
*Nga ngăn chặn vụ tấn công khủng bố cơ sở quốc phòng: Theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA, ngày 5/7, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã ngăn chặn thành công cuộc tấn công khủng bố vào một cơ sở phức hợp công nghiệp – quân sự ở khu vực Samara, phía Tây Nam nước Nga.
Theo cơ quan báo chí của FSB, cuộc tấn công trên do một cư dân Samara lên kế hoạch thực hiện. Nghi phạm đã lựa chọn địa điểm gây án và lắp ráp các thiết bị gây cháy tự chế trước khi bị FSB bắt giữ với sự hỗ trợ của cảnh sát.
Theo cơ quan tình báo Nga, vào giữa năm 2023, nghi phạm đã trao đổi thư từ với thành viên của một tổ chức khủng bố thân Ukraine và đồng ý thực hiện hành động phá hoại, khủng bố từ bên trong thành phố. (Reuters)
*Nga triển khai hệ thống phòng không quy mô lớn: Tướng Andrei Semenov, Tư lệnh Lực lượng Phòng không và Phòng thủ tên lửa, đồng thời là Phó Tổng Tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga cho biết Moscow sẽ triển khai một hệ thống phòng không tích hợp trên lãnh thổ Nga, bao gồm cả khu vực tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, để chống lại mọi phương tiện tấn công đường không của lực lượng vũ trang Ukraine.
Ông Semenov khẳng định, thời gian qua, hệ thống phòng không của Nga đã đẩy lùi hiệu quả các cuộc tấn công của Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu, thiết bị bay có người lái và không người lái, tên lửa các loại, bao gồm cả những loại do Mỹ, Anh và Pháp cung cấp.
Ngoài ra, Tướng Semenov cũng cho biết hệ thống phòng không bảo vệ các cơ sở quan trọng của nhà nước Nga, các trung tâm hành chính và công nghiệp lớn, dân thường và quân đội có tầm quan trọng đặc biệt đối với chiến dịch quân sự đặc biệt, cả trong khu vực chiến sự và sâu bên trong lãnh thổ Nga. (Sputniknews)
Châu Phi – Trung Đông
*Hezbollah thảo luận với Hamas về tình hình Gaza: Ngày 5/7, Thủ lĩnh phong trào Hezbollah tại Lebanon Sayyed Hassan Nasrallah đã tiếp một phái đoàn Hamas do phó thủ lĩnh nhóm này ở Gaza – ông Khalil Al-Hayya dẫn đầu, để thảo luận về tình hình ở Gaza.
Thông báo của Hezbollah nhấn mạnh, hai bên đã “thảo luận về những diễn biến mới nhất trong các cuộc đàm phán đang diễn ra, bầu không khí của các cuộc đàm phán và các đề xuất được đưa ra để chấm dứt hành động xâm lược nguy hiểm nhằm vào người dân Palestine ở Dải Gaza”.
Trước đó, hôm 4/7, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết, Hamas đã có sự điều chỉnh khá đáng kể về lập trường của mình liên quan đến thỏa thuận với Israel về vấn đề trao trả con tin, bày tỏ hy vọng rằng điều này sẽ dẫn đến một hiệp ước hướng tới lệnh ngừng bắn vĩnh viễn. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Cử tri Iran bắt đầu đi bầu cử tổng thống, 2 ứng cử viên bỏ cuộc trước ‘giờ G’ |
*Iran tổ chức bầu cử Tổng thống vòng 2: Ngày 5/7, Iran đã tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 với 2 ứng cử viên là nhà cải cách, cựu Bộ trưởng Y tế Masoud Pezeshkian, và nhân vật bảo thủ cực đoan Saeed Jalili sau khi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp kỷ lục ở vòng đầu tiên.
Theo số liệu từ Ủy ban Bầu cử Iran, trong vòng bỏ phiếu thứ nhất tuần trước, ông Pezeshkian, người theo chủ nghĩa cải cách duy nhất được phép ứng cử, đã giành được số phiếu bầu lớn nhất, khoảng 42%, trong khi cựu Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Jalili đứng ở vị trí thứ 2 với 39%.
Chỉ 40% trong số 61 triệu cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu – tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất trong bầu cử Tổng thống kể từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979.
Hôm 3/7, lãnh đạo tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei, đã kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu đông đảo hơn trong cuộc bỏ phiếu vòng 2 và nhấn mạnh “vòng bầu cử này rất quan trọng”. (AFP)
Châu Mỹ – Mỹ Latinh
*Tổng thống Hàn Quốc tới Mỹ dự thượng đỉnh NATO: Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 5/7 cho biết, Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ tới Mỹ vào tuần tới để tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Washington DC và thăm Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ tại Hawaii.
Tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài 2 ngày (10-11/7), Tổng thống Hàn Quốc sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo NATO, thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine cũng như sự hợp tác giữa liên minh an ninh xuyên Đại Tây Dương và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trước đó, ngày 8-9/7, Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ dừng chân tại Hawaii, thăm Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, nghe báo cáo về an ninh trong khu vực.
Tổng thống Yoon Suk Yeol sẽ tổ chức một loạt cuộc họp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO để thảo luận về các biện pháp mở rộng hợp tác an ninh nhằm ứng phó với mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên. (Yonhap)
*Nga cân nhắc triển khai tên lửa ở Cuba: Ngày 4/7, ông Sergei Mironov, lãnh đạo đảng “Nước Nga công bằng-Những người yêu nước-Vì sự thật” tại Duma Quốc gia (hạ viện) Nga cho biết nước này đang nghiên cứu việc triển khai tên lửa ở Cuba để đáp trả hành vi leo thang của Mỹ ở Ukraine và sự gia tăng chạy đua vũ trang giữa các cường quốc hạt nhân.
Nhà lập pháp trên nhận định Washington đã dấn thân vào một cuộc chạy đua vũ trang có thể gây ra “hậu quả tàn khốc” cho nước Mỹ. Theo ông, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuần trước cho rằng Moscow nên tiếp tục sản xuất tên lửa hạt nhân tầm trung và tầm ngắn, sau đó xem xét nơi triển khai chúng sau khi Mỹ đưa tên lửa tương tự tới châu Âu và châu Á. (Reuters)
Nguồn: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-57-thu-tuong-anh-tuyen-bo-tu-chuc-nga-can-nhac-trien-khai-ten-lua-o-cuba-iran-bau-cu-tong-thong-vong-2-277600.html