(Dân trí) – Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, so với năm trước, chúng ta đã trưởng thành hơn về nhận thức với các vấn đề khi làm báo trên không gian số. Hệ sinh thái cần được điều tiết đúng hướng để cùng có lợi.
Khóa đào tạo chuyên sâu về kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyên đề “Nền tảng kỹ thuật cho kinh doanh số” khai mạc sáng 25/10 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Tống Văn Thanh – Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản – Ban Tuyên giáo Trung ương, bà Mai Hương Giang – Cục phó Cục Báo chí, cùng lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí, chuyên gia… tham dự.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với những nội dung rất cụ thể.
Trên cơ sở chiến lược đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chiến lược cụ thể với kế hoạch tập huấn, nâng cao nhận thức về kỹ năng số và bộ tiêu chí đánh giá chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí. Khóa tập huấn chuyên sâu này sẽ đi vào những vấn đề rất cụ thể, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các cơ quan báo chí.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại phiên khai mạc (Ảnh: Xuân Cường).
“Chúng ta so với năm trước đã trưởng thành hơn rất nhiều về nhận thức với những vấn đề nan giải cần giải quyết khi chúng ta làm báo chí trên không gian số. Đó không chỉ là quảng cáo trên không gian số bằng cách làm nội dung văn minh, tử tế, có phương pháp tốt mà còn làm sao để quảng cáo trên không gian số phải được nắn dòng đi vào những nội dung lành mạnh và thanh lọc sàng lọc, loại bỏ quảng cáo về sản phẩm, dịch vụ vi phạm pháp luật, gây phản cảm…”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng, điều này không chỉ là hình thức của các cơ quan báo chí nói riêng mà còn là hình thức quản lý trên không gian số, làm trong sạch nền sinh thái này hơn. Qua đó, nguồn lực chính đáng đến từ những sản phẩm, thương hiệu tôn trọng pháp luật sẽ tìm đến những nền tảng có nội dung thực tế, lành mạnh.
Trong đó, hệ sinh thái báo chí mở rộng không chỉ là trang web của các cơ quan báo chí mà là những nội dung, fanpage của các cơ quan báo chí phát triển trên các nền tảng mạng xã hội. Hệ sinh thái này cũng cần có sự quan tâm điều tiết đúng hướng để cùng có lợi trong mô hình kinh doanh của cả 2 bên.
Theo Thứ trưởng, năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Báo chí đã phối hợp với Google đào tạo về kinh tế báo chí với chủ đề chính là phát triển và khai thác dữ liệu doanh thu từ quảng cáo. Đã có hơn 600 đại biểu đến từ 182 cơ quan báo chí trên toàn quốc tham gia khóa đào tạo này và cho nhiều phản hồi tích cực.
Năm nay, trên cơ sở nguyện vọng và nhu cầu nâng cao của các cơ quan báo chí Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa học chuyên sâu hơn với chủ đề chuyển đổi số, nền tảng cho kinh doanh số.
Giải bài toán nguồn thu báo chí
Tại phiên thảo luận chuyên gia, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông, cho biết, nửa đầu năm nay, một nghiên cứu có thể cho thấy một số dấu hiệu không hẳn bi quan nhưng cũng đáng lưu ý về xu thế độc giả, kinh doanh báo chí.
Trên thế giới, độc giả thay đổi xu thế, kinh doanh báo chí gặp nhiều khó khăn. Nghiên cứu của Reuters cho thấy độc giả hiện nay, nhất là độc giả trẻ, đã bớt, thậm chí không còn hào hứng với các kênh truyền thống. Gen Z ngày càng có xu hướng tìm kiếm các kênh thay thế cho báo chí. Ông Đồng nêu câu chuyện hành vi người đọc thay đổi nhiều, tác động tới doanh thu quảng cáo của báo chí thế giới.
Còn ở Việt Nam, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển truyền thông, các thảo luận cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Ông dẫn ra các nguồn thu của báo chí, trong đó có nguồn thu từ ngân sách Nhà nước thì ngày càng cắt giảm, khó khăn tới từ việc các cơ quan báo chí ngày càng được yêu cầu phải tự chủ nhiều hơn.
Với nguồn thứ hai là nguồn quảng cáo truyền thông thì hiện tại kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cũng khó thì các báo cũng bị tác động bởi nguồn thu này. Ngoài ra, sự sụt giảm về truy cập từ các nền tảng mạng xã hội cũng là điều được ông nhấn mạnh.
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Bá, Tổng biên tập Báo Vietnamnet, cho biết xu hướng độc giả luôn thay đổi, từ báo in chuyển sang máy tính bàn (PC), từ PC lại chuyển sang máy tính bảng (tablet), từ tablet chuyển sang điện thoại di động.
Theo ông, bạn đọc hiện giờ ngày càng bị quá tải, bội thực với các thông tin, đôi khi bị vào tình huống “nhiều quá không biết chọn gì”, còn báo chí thì khó khăn trong chọn cách đưa tin. Chưa kể, trong môi trường mà các tin giả nhiều thì cơ quan báo chí cũng cần tìm giải pháp cho tin tức làm sao để vẫn đảm bảo an toàn mà lại hấp dẫn được bạn đọc.
Về nguồn thu với cơ quan báo chí, ông cho biết hiện tại các bên đều phải dịch chuyển sang nguồn thu mới, làm sao để có độc giả trung thành, độc giả dài hạn sẵn sàng bỏ tiền ra để đọc tin tức.
Do đó, báo chí cũng đặt ra câu chuyện thu phí, tăng giá trị gia tăng với bạn đọc nhưng đây lại là quá trình dài, hiện vẫn ở các bước thử nghiệm, thăm dò để bạn đọc quen dần. Mỗi cơ quan báo chí lại có cách phát triển độc giả khác nhau, cần tìm thế mạnh của mình để phát triển, giữ được độc giả trong bối cảnh độc giả tương lai khác nhiều.
Nói về kinh tế báo chí, ông Ngô Đức Kiên, Tổng biên tập Báo Nghệ An, cho biết nguồn thu báo chí hiện nay vẫn chủ yếu là nguồn thu từ độc giả truyền thống. Dẫn ví dụ về tờ báo nơi mình đang làm Tổng biên tập, ông Kiên cho biết có thời điểm tờ báo này tự chủ 100%.
Lãnh đạo tờ báo địa phương này chủ trương học cách làm của đồng nghiệp vì mỗi đơn vị đều có cái hay, cái tốt và ông chọn hướng lọc cái hay để học hỏi.
Theo ông, mọi người cứ nói nhiều về báo chí kỹ thuật số nhưng “nếu máy móc thì không đầu tư được”. Về kinh tế báo chí, ông dẫn Nghị định 18 về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, còn lại chưa có quy định về chi trả nhuận bút cho nền tảng số khác, hệ sinh thái khác…
Các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Nghệ An, cũng đẩy phần thu từ các nền tảng khác, con số có tăng trưởng nhưng vẫn chiếm một phần tỷ lệ trong tổng nguồn thu.
Một vấn đề được đặt ra là ứng dụng các công nghệ số để phát triển độc giả mới như thế nào khi mà các nền tảng mạng xã hội giảm lượng truy cập, hay nói cách khác là báo chí mất độc giả trên mạng xã hội.
Ông Nguyễn Văn Bá cho biết từ năm ngoái tới nay, mạng xã hội, cụ thể là Facebook, đã giảm khả năng tiếp cận với nội dung báo chí nên không ít tờ báo giữ kênh Facebook và fanpage trên mạng xã hội này như kênh xem về xu hướng độc giả. Bản thân nhiều tờ báo cũng đã xác định nguyên tắc phát triển bền vững hơn.
Đại diện Google, với nhiều kinh nghiệm tối ưu hóa việc sản xuất và sáng tạo nội dung được phát hành trên không gian số, cũng chia sẻ nhiều thông tin liên quan tới việc phát triển độc giả. Trong đó, đại diện này dẫn ví dụ về tờ Financial Times trong việc phát triển nội dung dựa trên đánh giá nhu cầu độc giả, phát triển độc giả.