Theo Thứ trưởng, ngành nông nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số cao nhất nhưng lại gặp nhiều khó khăn nhất, ngành nông nghiệp có nhiều dữ liệu cần thu thập nhưng hiện nay lại có rất ít.
Làm sạch dữ liệu để cấp mã số định danh duy nhất cho tàu thuyền
Tại Hội nghị tập huấn phổ biến kiến thức nền tảng về chuyển đổi số cho cán bộ của Bộ ngày 7/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT cho biết, Bộ sẽ ban hành khung kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp trong quý III.
Đây là một nhiệm vụ lớn và phức tạp, vì nếu không có khung kiến trúc dữ liệu, các đơn vị, đặc biệt là các xã, ngành và địa phương sẽ không biết cách triển khai dữ liệu của mình. Thiếu dữ liệu sẽ cản trở quá trình chuyển đổi số.
Thứ trưởng đánh giá, ngành nông nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số cao nhất nhưng lại gặp nhiều khó khăn nhất. Ngành nông nghiệp có nhiều dữ liệu cần thu thập nhưng hiện nay lại có rất ít. Đặc biệt, nhân lực trong lĩnh vực này của ngành nông nghiệp còn yếu, vì đa số là nông dân với điều kiện và kiến thức hạn chế.
Bộ NN-PTNT đã cam kết triển khai trong năm nay, bắt đầu từ tháng 7, để rà soát và điều chỉnh cơ sở dữ liệu, tập trung vào dữ liệu tàu cá. Dữ liệu này phải đảm bảo đúng, đủ và sạch để quản lý hiệu quả, liên quan đến việc giảm thiểu thẻ vàng từ EU.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng tập trung vào việc quản lý tàu cá và truy xuất nguồn gốc rừng theo tiêu chuẩn EU. Đây là những nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp không bị ảnh hưởng bởi các quy định quốc tế.
Ngoài ra, Bộ cũng cam kết nâng cao năng lực cho cán bộ, bắt đầu từ lãnh đạo các đơn vị và cán bộ công chức của Bộ NN-PTNT, sau đó là các địa phương.
“Để chuyển đổi số thành công, cần có kiến thức, kỹ năng và thái độ đúng đắn. Thái độ quyết tâm của cán bộ là yếu tố quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số không thành công thì ngành nông nghiệp sẽ không thể phát triển, vấn đề là nông dân và ngành sản xuất sẽ bị ảnh hưởng”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.
Về kiến trúc Chính phủ điện tử, ông Đặng Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết, ngành nông nghiệp muốn chuyển đổi số toàn diện cần hoàn thiện “tam quy” gồm: quy hoạch – đảm bảo hướng đầu tư; quy chuẩn – giúp các địa phương và bộ liên kết dữ liệu và quy chế; tuân thủ quy định, khen thưởng hoặc xử lý vi phạm.
Bộ đã xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0 dựa trên 5 thành phần: nghiệp vụ, dữ liệu, ứng dụng, công nghệ và an toàn thông tin. Kiến trúc này phải đảm bảo sự liên thông, chia sẻ dữ liệu đúng thẩm quyền và quy định pháp luật. Kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0 sẽ áp dụng từ năm nay, với các thành phần và sơ đồ tổng thể chi tiết, tập trung vào việc chia sẻ và tích hợp dữ liệu.
Về triển khai Đề án 06 liên quan đến ngành nông nghiệp và nội dung định danh tàu thuyền, ông Đào Phan Khải, Tổ Đề án 06 (C06), Bộ Công an cho biết, những nghị định đã ban hành có thể ứng dụng vào quy trình điện tử của ngành nông nghiệp, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Trong tháng 5 vừa qua, Đề án 06 về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ đã đạt nhiều thành quả quan trọng có thể ứng dụng ngay vào ngành nông nghiệp. Đối với việc định danh tàu thuyền, đề án đã phối hợp với các bộ ngành liên quan để khảo sát và chỉnh sửa các thông tư, bổ sung các trường thông tin cần thiết để đảm bảo thực hiện định danh tàu thuyền và dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, hạ tầng của các đơn vị liên quan chưa đáp ứng được yêu cầu, một phần do khó khăn về kinh phí. Do đó, cần có lộ trình từng bước làm sạch dữ liệu và rà soát để cấp mã số định danh duy nhất cho tàu thuyền, gắn với chủ sở hữu là cá nhân hoặc tổ chức.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành cà phê đáp ứng quy định EUDR
Bà Trần Quỳnh Chi, Giám đốc vùng Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững Việt Nam – IDH cho biết, quy định EUDR đặt ra thách thức cho ngành cà phê trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản xuất. Đây là điều kiện tiên quyết để duy trì và thúc đẩy xuất khẩu cà phê sang thị trường châu Âu và Việt Nam chỉ còn 6 tháng để xây dựng hệ thống này.
Bà Chi chỉ ra thực tế rằng, chi phí để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rất lớn, đặc biệt là đối với các vườn trồng manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, việc định vị GPS và chứng minh tính hợp pháp của đất trồng cũng là một thách thức. Việt Nam cần xây dựng bản đồ cập nhật về rừng và vùng trồng, nhưng hiện tại chưa có bản đồ số hóa đáp ứng yêu cầu của EU.
Theo đó, IDH đưa ra một loạt giải pháp như hợp tác với Bộ NN-PTNT và các tỉnh để xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu định vị GPS cho các vườn trồng cà phê. Hệ thống này sử dụng ảnh vệ tinh và bản đồ quy hoạch để đánh giá và cập nhật tình trạng rừng, đồng thời thực hiện thử nghiệm trên 10 huyện tại các tỉnh Tây Nguyên.
IDH cung cấp giải pháp gắn định vị GPS cho các vườn trồng và xây dựng các điểm định vị góc (polygon) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến từng vườn trồng, tích hợp dữ liệu địa chính và số hóa toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, hệ thống thông tin vùng trồng được thiết kế theo hướng mở, cho phép các doanh nghiệp dễ dàng truy cập và sử dụng dữ liệu.
IDH cũng đề xuất đưa cơ sở dữ liệu này vào Bộ NN-PTNT để tích hợp với các hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện tại của Bộ. Để đảm bảo hiệu quả triển khai, IDH đánh giá chi phí và hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc định vị và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, đồng thời phối hợp với các tổ chức quốc tế để tìm kiếm nguồn tài trợ và kỹ thuật.
Nguồn: https://nongsanviet.nongnghiep.vn/thu-truong-nguyen-hoang-hiep-chuyen-doi-so-thanh-cong-hay-khong-la-do-thai-do-d388968.html