Chiều 3/2, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã đi kiểm tra đột xuất, làm việc với Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Quản lý xuất nhập cảnh về công tác phục vụ hành khách đi lại dịp cao điểm Tết.
Đi bộ dọc nhà ga quốc nội, từ khu sảnh A (Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, Bamboo Airways, Pacific Airlines) đến sảnh B (Vietjet), Thứ trưởng đánh giá khung giờ trưa khu vực check-in thông thoáng, khách đi lại thuận lợi.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu lãnh đạo sân bay tăng cường công tác an ninh, an toàn hàng không. Trong điều kiện sân bay đang quá tải, lượng hành khách đi đến đông, vì vậy công tác đảm bảo an ninh, an toàn hàng không phải đặt lên hàng đầu.
Ngoài tăng quân số 100% ở tất cả các bộ phận, cần nâng cấp hệ thống trang thiết bị, xe máy, để đảm bảo quá trình phục vụ hành khách một cách thuận tiện, không bị chậm ở bất cứ khâu nào.
Thứ trưởng yêu cầu Cảng hàng không Tân Sơn Nhất tùy theo khung giờ cao điểm và lịch bay dự kiến, phải có sự điều phối, phối hợp các với hãng hàng không, đơn vị mặt đất để tăng cường lực lượng tối đa.
Tại ga quốc tế, đại diện diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết, trong những ngày qua, lượng kiều bào về nước tăng cao, mặc dù vậy công tác tổ chức, thủ tục nhập cảnh được thực hiện thông suốt, không để hành khách phải chờ đợi lâu sau các chuyến bay dài từ quốc tế về Việt Nam.
Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh cũng khẳng định tỷ lệ khách quốc tế bị chậm chuyến ở Tân Sơn Nhất không nhiều.
Nhận định ga quốc tế của sân bay đóng vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đề nghị các đơn vị nỗ lực khắc phục các hạn chế, làm sao để hành khách quốc tế cảm thấy thoải mái, thân thiện khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Trong những ngày qua, tình trạng sương mù ở các tỉnh phía Bắc khiến nhiều chuyến bay không cất hạ cánh đúng giờ, điều này đã gây ảnh hưởng dây chuyền đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo thống kê của ngành hàng không, có khoảng 100 chuyến bay bị ảnh hưởng bởi tình trạng sương mù này. Nhiều hành khách ở Tân Sơn Nhất mua vé từ sáng nhưng đến trưa mới bay được. Đây là tình huống thời tiết bất khả kháng, nhưng ảnh hưởng đến việc phục vụ hành khách.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cần phối hợp để truyền thông tốt vấn đề này.
Các hãng hàng không phải chủ động hơn nữa trong việc thông tin đến hành khách, tránh tình trạng khách đến sân bay chờ quá lâu, gây bức xúc.
Thứ trưởng cũng cho rằng các doanh nghiệp hàng không phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong điều hành, khai thác. Khi xảy ra chậm chuyến, sân bay và hãng tìm giải pháp giải tỏa khách.
Trường hợp thời tiết xấu như vài hôm nay cần phải công khai, giải thích rõ hơn để khách hiểu, thậm chí gửi lời xin lỗi đến hành khách.
Xin lỗi ở đây để khách thấu hiểu lý do, khách hiểu được nguyên nhân sẽ không còn lăn tăn hay ức chế khi bị hoãn chuyến kéo dài.
Theo lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đến chiều 3/2 tình trạng chậm chuyến đã phần nào được giải quyết khi thời tiết ở một số tỉnh phía Bắc tốt hơn.
Theo thống kê, ngày 3/2, Tân Sơn Nhất có 900 chuyến bay, phần lớn là các chuyến bay đi về các tỉnh. Khách đi chiếm đa số với gần 87.000 lượt, trong đó có 62.000 lượt khách bay trong nước. Khung giờ cao điểm 6-8h và 17-20h, sân bay đón 3.500 – 4.100 hành khách.
Sản lượng khách tăng đột biến và sự quá tải hạ tầng các nhà ga trong dịp cận, trong Tết Nguyên đán 2024 đã được ngành hàng không dự tính cách 1 tháng. Tuy nhiên, thời tiết đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bay những ngày qua.
Theo cập nhật từ Cục Hàng không VN, các chặng bay từ TP.HCM đi các địa phương có tỷ lệ đặt chỗ đang ở mức rất cao, trải đều từ ngày 2/2 – 9/2 (tức ngày 23 – 30 Tết Âm lịch). Một số chặng có tỷ lệ lấp đầy 99% như TP.HCM – Huế/Pleiku/Vinh.
Cục Hàng không Việt Nam cũng thông tin, hai ngày nay, tại các sân bay khu vực phía Bắc xảy ra hiện tượng sương mù, mây thấp, tầm nhìn giảm dưới tiêu chuẩn khai thác bay gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bay. Hàng loạt chuyến bay đã phải chuyển hướng hạ cánh hoặc bị hoãn, chậm giờ.