Theo lý giải của Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn, nguồn thu từ vé tham quan phục vụ cho việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích, cải tạo hạ tầng trong khu phố cổ, tổ chức các sự kiện du lịch, cũng như hỗ trợ người dân trong việc trùng tu, cải tạo nhà… Đồng thời, bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An là để đảm bảo công bằng đối với địa phương và du khách.
Cân nhắc lợi – hại
Chuyên gia du lịch, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng, câu chuyện thu phí vào cổng của Hội An cũng như nhiều điểm đến khác ở Việt Nam hiện nay cần phải được xem xét toàn diện ở nhiều yếu tố. Đầu tiên là thẩm quyền thu phí.
Theo ông Nam, có hai loại không gian cần xác định rõ, nơi được đề xuất thu phí là không gian công cộng hay không gian thuộc sở hữu (ví dụ như bảo tàng, khu di tích…). Nếu không gian mang tính chất thuộc sở hữu thì chủ thể sở hữu có quyền thu phí. Ngược lại, nếu là không gian công cộng thì thuộc về toàn dân, thuộc về mọi người, không có quyền thu phí. Hiện nay, không chỉ Hội An mà có tình trạng nhiều không gian công cộng như các công viên, làng cổ phía bắc dựng cổng thu phí du khách, điều này là không đúng và cần cơ quan có thẩm quyền xem xét lại.
Chuyên gia du lịch: ‘Bán vé tham quan Hội An là phi lý, không bình thường!’
Yếu tố thứ hai, cũng là yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc là lợi – hại của việc thu phí. Hội An bán vé vào cổng, trong trường hợp hợp pháp thì một mặt mang lại nguồn ngân sách cho thành phố nhưng mặt khác làm tăng chi phí của khách du lịch. Trong bối cảnh cả du lịch và nền kinh tế khó khăn như hiện nay, tất cả các ngành đều đang dồn lực kích cầu bằng đủ các chương trình khuyến mãi thì bất kể động thái nào làm tăng chi phí của người dân, du khách đều đi ngược lại với chủ trương chung.
“Thu phí vào thì khách có giảm không? Khách giảm thì nguồn thu từ chi tiêu, mua sắm, ăn uống hụt bao nhiêu so với phần thu được từ bán vé? Lãnh đạo thành phố Hội An phải tính toán thu phí được nhiều hơn hay mất nhiều hơn và chịu trách nhiệm cho tính toán đó. Việc này cũng tương tự như câu chuyện visa, thu được 1 đồng nhưng có khi mất tới 3 đồng” – TS Lương Hoài Nam cảnh báo.
Vấn đề thứ 3 được ông Nam nhấn mạnh là sự phân biệt về giá. Giá vé được ban hành 120.000 đồng/vé dành cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé dành cho khách nội địa. Chính sách hai giá phân biệt giữa người trong nước và nước ngoài như vậy có từ vài thập kỉ trở về trước, hoàn toàn không còn phù hợp với thông lệ quốc tế. Bản thân người Việt đi du lịch nước ngoài, đa phần không phải trả giá, phí nhiều hơn người địa phương. Một số điểm tham quan áp dụng giảm giá cho người địa phương là dựa trên tinh thần người dân sống ở đó, đóng thuế ở đó, có đóng góp cho địa phương nên được giảm giá vé, phí. Đó là câu chuyện khác, hoàn toàn hợp lý.
Phải hướng tới doanh thu qua dịch vụ tăng thêm
Đồng tình, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vietcircle khẳng định, việc Hội An khoanh vùng cả thành phố để thu vé tham quan của du khách là không hợp lý. Hội An không chỉ là một điểm du lịch mà còn có vai trò của một đô thị. Nơi đây không chỉ phục vụ du khách tới tham quan mà còn phục vụ nhiều nhu cầu khác như ăn uống, mua sắm hàng hóa, thăm thân hoặc đơn giản chỉ là rảo bước trên đường. Với những nhu cầu như vậy thì việc thu phí là không sòng phẳng.
“Khu phố cổ San Diego cũng là một điểm du lịch nổi tiếng được mệnh danh điểm đến tốt nhất nước Mỹ nhưng họ không bán vé vào cổng. Chỉ có một số điểm rất đặc biệt trong thành phố mới bán vé tham quan. Bù lại, họ bán dịch vụ thu tiền. Điểm tham quan chỉ là yếu tố kích thích khách đến, còn du lịch phải hướng tới doanh thu qua dịch vụ tăng thêm, từ nhà hàng, khách sạn, mua sắm…” – ông Phan Đình Huê dẫn chứng và đánh giá: Trong khi đó, tư duy của nhiều tỉnh, thành tại Việt Nam lại là trực thu, chăm chăm thu vé vào cổng mà quên mất tính toán cơ cấu kinh tế của điểm đó chiếm bao nhiêu phần trăm từ bán vé, bao nhiêu từ các hệ thống khách sạn, nhà hàng, dịch vụ.
“Nếu khách không vào thì có khát nước không, có đói mà tìm đồ ăn không, có mua hàng lưu niệm không? Cần nghiên cứu và cân nhắc kinh tế Hội An sẽ hưởng lợi gì hay mất gì từ việc thu tiền vé này. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh ưu tiên hiện nay phải lo dân sinh, việc làm, kích cầu kinh tế. Hội An làm như vậy có đi ngược lại tình hình chung và chiến lược của Chính phủ không?” – ông Huê đặt vấn đề.
Du khách phải mua vé khi vào tham quan phố cổ Hội An kể từ 15.5