Sắp đến Tết, một số người trẻ lại thấy khó xử, áp lực khi phải đối diện những câu hỏi muôn thuở về chuyện lập gia đình, sinh con, lương thưởng thế nào, biếu ba mẹ bao nhiêu…
Để “trốn kiếp nạn” này, người chọn về quê ở luôn trong nhà không đi đâu, số khác lại chọn đi du lịch cùng bạn bè hoặc ở lại thành phố làm thêm, qua Tết mới về quê. Có người thậm chí nghĩ cách trả lời thẳng thắn.
Năm nào cũng bị hỏi lương bổng, chồng con
“Chán không muốn nói luôn!” là câu mở đầu của chị Trần Bảo Trang (ở TP Thủ Đức, TP.HCM) khi nhắc đến những câu hỏi từ người thân, xóm giềng.
30 tuổi, cô gái làm trong ngành marketing này vẫn còn độc thân, trong khi đứa bạn cùng lứa ở quê đã có đến con thứ ba.
Thấy con gái hơn hai năm nay chưa có bạn trai, ba mẹ chị ở quê sốt ruột, vừa đốc thúc, vừa nhờ người quen mai mối nhưng đều nhận về cái lắc đầu của con. Mỗi lần về thăm nhà dịp Tết hoặc nghỉ lễ dài ngày, Trang nói chỉ muốn trốn biệt trong phòng để khỏi phải đối mặt với sự hối thúc bao giờ lấy chồng của ba mẹ.
“Hàng xóm ghé nhà chơi, thấy tôi nằm võng trước nhà thì hỏi là nhỏ này mấy tuổi rồi sao không chịu lấy chồng, rồi đẻ cháu cho ba mẹ vui, mà cứ nhởn nhơ”, cô gái quê Kiên Giang nói.
Không chỉ vậy, mỗi lần sang quê nội hay quê ngoại, chị cũng nhận được những câu hỏi về chuyện chồng con, thậm chí còn bị hỏi một số câu nhạy cảm như “lương nhiêu?”, “thưởng Tết mấy triệu?, “cho ba mẹ tiền Tết nhiều không?”.
Tương tự, anh Vũ Minh Tâm (quê Bắc Ninh) cho biết nhiều lần anh phân vân giữa việc có nên về quê ngay Tết hay không, bởi khi đó họ hàng sẽ về rất đông, và như vậy chàng trai 29 tuổi lại phải tìm cách “trốn” những câu hỏi khó đỡ.
Là cháu đích tôn bên dòng họ nội, do đó trách nhiệm nối dõi gần như thuộc về anh. Tuy vậy, anh Tâm cho biết chưa muốn kết hôn và sinh con sớm vì gánh nặng tài chính.
“Năm nay công ty làm ăn khó khăn nên tôi bị giảm 1/3 thu nhập. Tôi đang lo Tết này có nên về không, vé máy bay đang đắt, tiền dành biếu bố mẹ ăn Tết cũng ít hơn năm ngoái. Chưa kể về nhà lại nghe họ hàng hỏi mấy vấn đề vợ con, lương thưởng các thứ lại mất vui”, anh Tâm bày tỏ.
Trong khi đó, vợ chồng cô nhân viên ngân hàng Thanh Ngọc (quê Bình Phước) lại ám ảnh trước sự nóng ruột từ hai bên gia đình và lời gièm pha của họ hàng, làng xóm khi vẫn chưa muốn có con sau gần ba năm kết hôn.
Cân bằng giữ lễ nghĩa và bảo vệ bản thân
Để đỡ áp lực khi về quê ăn Tết bởi những câu hỏi xoay quanh các vấn đề cá nhân nhạy cảm, vợ chồng chị Ngọc chọn về quê 2-3 ngày, chia đều thời gian hai bên nội ngoại, rồi sẽ đi du lịch. “Chúng tôi cười trừ, lảng tránh nếu bị hỏi quá nhiều về chuyện riêng tư, không cự cãi vì chẳng muốn mích lòng ngày Tết”, chị Ngọc nêu quan điểm.
Chị Bảo Trang cho biết muốn có không khí Tết quê nên thường mọi năm chị về Tết và chọn lảng tránh khi có ai đó hỏi chuyện chồng con. Riêng năm ngoái, chị lần đầu ăn Tết xa nhà khi chọn đi du lịch cùng vài đồng nghiệp.
“Năm nay tôi đã chuẩn bị tâm lý nên sẽ về quê. Thường tôi chỉ cười trừ cho qua, nhưng nếu ai hỏi vô duyên ngày Tết, tôi sẽ phản ứng thẳng để người ta biết mình không thích bị hỏi như vậy”, chị Trang nói.
Với Minh Tâm, anh dự tính đợt này ở lại thành phố tìm việc làm thời vụ kiếm thêm thu nhập, sau Tết có thêm tiền mới về quê. Tâm cho biết thêm, với những câu hỏi có ý soi mói hoặc để so sánh chứ chẳng phải hỏi thăm thân tình, anh sẵn sàng không trả lời và hạn chế tiếp xúc.
Theo các chuyên gia, đối mặt với những tình huống khi bị hỏi những vấn đề riêng tư, người trẻ cần chuẩn bị sẵn tâm lý và câu trả lời lịch sự. Hơn hết là nhìn nhận nhẹ nhàng, hiểu rằng những câu hỏi ấy thường xuất phát từ sự quan tâm, tò mò, thăm hỏi theo cách truyền thống.
Nếu bị “hỏi khó”, có thể đánh lạc hướng một cách khéo léo, giới hạn thời gian tiếp xúc. Ngoài ra có thể tìm sự đồng cảm từ gia đình khi chia sẻ về áp lực của bản thân.
Trường hợp cảm thấy bị soi mói đời tư quá mức, có thể không trả lời những câu hỏi mà mình thấy không phù hợp, hay thẳng thắn nói ra sự khó chịu của bản thân để người khác hiểu và thông cảm.
Chuyên gia cho rằng khi về quê ăn Tết, nên tập trung tận hưởng thời gian với gia đình, đặt sức khỏe tinh thần lên hàng đầu thay vì lo lắng, tự tạo áp lực về các câu hỏi.
Người trẻ biết cân bằng giữa giữ lễ nghĩa và bảo vệ bản thân sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi về quê.
Bạn có những cách trả lời như thế nào trước những câu hỏi riêng tư ngày Tết mà vẫn giữ được không khí vui vẻ ngày xuân? Mời bạn chia sẻ ở ô Bình luận cuối bài viết. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-nhap-kem-khong-dam-ket-hon-ve-que-bi-hoi-combo-luong-nhieu-bao-gio-lay-chong-20241228180653468.htm