Hãng dược phẩm Moderna và Merck công bố thử nghiệm vaccine mRNA đang được nghiên cứu cho thấy, vaccine này làm giảm nguy cơ tái phát khối u ác tính ung thư da nghiêm trọng khi kết hợp với liệu pháp miễn dịch.
Tiến sĩ Kyle Holen, Phó Chủ tịch cấp cao và là người đứng đầu Bộ phận Phát triển, trị liệu và ung thư của Moderna, cho biết rằng kết quả “khuyến khích hơn nữa về tiềm năng của vaccine mRNA” đối với những người bị u ác tính và nó “có thể là một phương pháp mới có khả năng kéo dài sự sống cho bệnh nhân”.
Trong một thử nghiệm với 157 người đã phẫu thuật để điều trị khối u ác tính, 78,6% người được tiêm vaccine và áp dụng liệu pháp miễn dịch Keytruda không bị ung thư sau 18 tháng. Trong khi đó, 62,2% người chỉ điều trị bằng liệu pháp miễn dịch không bị tái phát. Tái phát ung thư hoặc tử vong xảy ra ở 22,4%, tức 24 trong số 107 người được điều trị kết hợp và 40%, tức 20 trong số 50 người chỉ được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.
Được biết, không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào từ vaccine ung thư thử nghiệm được báo cáo. Các tác dụng phụ phổ biến nhất là mệt mỏi, đau ở vết tiêm và ớn lạnh.
Vaccine ung thư thử nghiệm của Moderna, mRNA-4157/V940, được bào chế để chuẩn bị cho hệ thống miễn dịch tạo ra phản ứng với các khối u cụ thể. Liệu pháp miễn dịch Keytruda của Merck đã được sử dụng trong điều trị khối u ác tính, kích thích hệ thống miễn dịch tấn công các khối u.
Tuy nhiên, dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn 2b chưa được bình duyệt hoặc công bố, kết quả sơ bộ từ thử nghiệm đã được chia sẻ vào tháng 12/2022. Hai công ty này đã trình bày dữ liệu mới nhất tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ. Moderna và Merck cho biết có kế hoạch khởi động nghiên cứu giai đoạn 3 vào năm 2023 và sẽ mở rộng sang nhiều loại khối u hơn, bao gồm cả ung thư phổi.
Phương Đỗ
(Theo CNN)