Trịnh Quang Thạch tốt nghiệp thủ khoa trường Đại học Sư phạm Hà Nội với điểm GPA 3,98/4 và sớm ba tháng so với chương trình.
“Gần bốn năm trước, từ mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió, cậu sinh viên Đà Nẵng không ngần ngại chấp nhận những thử thách để bước đến vì những điều cao đẹp. Đó là lựa chọn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để nuôi dưỡng ước mơ trở thành người thầy dạy Địa lý, dù nhiều lần nghe câu hỏi “Tại sao em lại lựa chọn học sư phạm?”, nam sinh khoa Địa lý bắt đầu bài phát biểu tại lễ bế giảng hôm 9/6.
Trước đó, Thạch vừa xúc động, vừa lo lắng khi biết mình đại diện cho hơn 1.300 sinh viên tốt nghiệp năm nay chia sẻ trong lễ bế giảng.
Thầy Nguyễn Quyết Chiến, trưởng khoa Địa lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho biết Thạch không chỉ có điểm trung bình tốt nghiệp (GPA) cao nhất trong hơn 1.300 sinh viên năm nay mà còn cao nhất lịch sử khoa.
Với Thạch, kết quả đạt được như lời khẳng định với bố mẹ việc lựa chọn ra Hà Nội học là đúng đắn.
Quang Thạch, 22 tuổi, là cựu học sinh lớp chuyên xã hội, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng. Nhờ đạt giải nhì quốc gia môn Địa lý, Thạch được tuyển thẳng vào trường Sư phạm Hà Nội. Thế nhưng khi đó, mẹ Thạch phản ứng gay gắt khi con trai đi học xa nhà, lại chọn ngành Sư phạm.
Thích làm giáo viên từ hồi tiểu học và được truyền cảm hứng bởi thầy cô dạy Địa lý ở cấp trung học, Thạch ước mơ trở thành giáo viên Địa lý. Em nhiều lần thuyết phục bố mẹ, chia sẻ thông tin về chương trình ở trường Sư phạm Hà Nội, câu chuyện thành công của anh chị đi trước. Cuối cùng, Thạch nhận được cái gật đầu của gia đình.
Vốn không mấy quảng giao, những ngày đầu ra Hà Nội, Thạch e ngại, không dám bắt chuyện nhiều với bạn. Em cũng tự bó hẹp trước định kiến thầy cô đại học không gần gũi như ở phổ thông. Sau đó, sự cởi mở của bạn bè, thầy cô ở trường khiến Thạch thoải mái, dần trở nên thân thiết và mở rộng được nhiều mối quan hệ. Việc học tập của nam sinh cũng suôn sẻ.
Suốt bốn năm, ngoài học trên trường, Thạch dành nhiều thời gian lên thư viện tự nghiên cứu và làm bài về nhà, đảm bảo thời gian tự học tối thiểu gấp đôi trên lớp. Thạch cũng thường tự làm đề cương, xây dựng bộ câu hỏi cho từng môn học rồi tự trả lời.
“Đề cương có sẵn do sinh viên khóa trước soạn và các quán photo bán lại khá nhiều. Nhưng khi tham khảo, em thấy có những phần trả lời không đầy đủ. Em không thoải mái với việc đó nên thường làm đề cương riêng để nắm chắc kiến thức”, Thạch nói.
Nam sinh nhìn nhận đó cũng là cách giúp mình đạt điểm cao bởi giảng viên đại học không chấm theo barem như THPT mà chấm theo ý hiểu của sinh viên.
Học Sư phạm, niềm vui lớn của Thạch là các kỳ kiến tập, thực tập. Thạch hào hứng khi năm cuối chọn thực tập ở một trường tư tại Hà Nội. Thực tập công tác chủ nhiệm, tự soạn giáo án, đứng lớp, Thạch được rèn luyện bản lĩnh người thầy và hiểu hơn về môi trường ở tư thục.
Ngày 20/11 năm ngoái, lần đầu Thạch được nhận hoa chúc mừng từ học sinh. “Em rất xúc động, bất ngờ, thấy mình như một thầy giáo thực thụ”, Thạch chia sẻ.
Thạch nói khó khăn lớn nhất suốt bốn năm đại học là vượt qua những trăn trở về việc chọn ngành. Ngay cả khi đã tốt nghiệp, nhiều người vẫn hỏi em “Sao không học Kinh tế hay ngành học khác thu nhập tốt hơn” hay “Sao không chọn Sư phạm Văn, Toán mà lại chọn Địa lý”?.
Nam sinh cho hay từ khi đăng ký vào đại học, em đã biết theo chương trình giáo dục phổ thông mới (2018), cấp THCS học liên môn Lịch sử – Địa lý còn ở THPT, Địa lý là môn tự chọn, nhưng vì yêu thích môn này nên không thay đổi định hướng.
“Nếu chỉ vì định kiến mà không chọn Sư phạm, vậy ai sẽ tiếp tục phát triển giáo dục nước nhà”, Thạch nói và cho biết ngay khi là sinh viên, thầy cô giáo tương lai như em cũng đã có thể góp sức đổi mới giáo dục.
Khi làm khóa luận tốt nghiệp, em nghiên cứu về cách thức giáo viên dạy chương trình mới. Trong khi chương trình yêu cầu dạy theo hướng phát triển năng lực học sinh thì thực tế nhiều thầy cô chưa thay đổi cho mục tiêu này. Nghiên cứu giúp em tìm cách để dạy đúng hướng sau khi ra trường.
Thầy Nguyễn Quyết Chiến nhận định hiếm sinh viên nào xuất sắc toàn diện như Quang Thạch. Em được kết nạp Đảng từ thời phổ thông. Ngoài học tập, Thạch tích cực trong mọi hoạt động của trường, lớp. Nam sinh tham gia nghiên cứu khoa học và từng đạt giải nhất cấp trường, giải khuyến khích cấp Bộ với đề tài thuộc lĩnh vực giáo dục phát triển bền vững.
“Thạch còn có nhiều tố chất. Chẳng hạn, em có khả năng diễn đạt tốt mà với giáo viên, điều này rất quan trọng”, thầy Chiến nói.
Nghe Thạch chia sẻ lần đầu tại lễ bế giảng nhưng thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, rất ấn tượng. Theo thầy Minh, một nhà giáo cần có đủ ba yếu tố: nhân cách, chuyên môn và động lực với nghề. Chỉ giỏi chuyên môn sẽ khó thành nhà giáo được mọi người quý trọng. Thầy Minh nhìn ra tố chất ở Thạch, trực tiếp bày tỏ mong muốn Thạch học lên cao học ở trường.
Tuy nhiên, Thạch đã có định hướng du học. Nhờ đăng ký học cả trong hè, Thạch tốt nghiệp sớm ba tháng và đã trở lại Đà Nẵng làm giáo viên môn Địa lý ở trường THCS FPT. Đã có chứng chỉ IELTS 7.0, Thạch vừa dạy học, vừa ôn luyện tiếng Anh để đạt mức cao hơn nhằm xin học bổng Chính phủ du học ngành Khoa học giáo dục.
“Em muốn du học, sau đó trở về góp sức phát triển giáo dục tại Việt Nam”, Thạch nói.