(Dân trí) – Bỏ lại tấm bằng xuất sắc cùng công việc có mức lương ổn định, Quỳnh Châu lựa chọn làm nông nghiệp, tìm hướng đi mới giúp người dân có nguồn thu nhập xứng đáng hơn với công sức bỏ ra.
Nguyễn Quỳnh Châu (SN 2000, Lâm Đồng) là thủ khoa đầu vào khối D07, Đại học Ngoại thương TPHCM. Cô từng theo học chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại và tốt nghiệp loại xuất sắc vào năm 2022.
Cầm tấm bằng loại xuất sắc trở về làm nông nghiệp
Lựa chọn theo học chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại tại Đại học Ngoại thương, Quỳnh Châu mong muốn bản thân sẽ cố gắng học tập tốt để có cơ hội làm việc ở các công ty đa quốc gia với mức thu nhập cao.
Trải qua hai năm ở trường đại học, cô gái sinh năm 2000 nhận thấy, những kiến thức thu về còn chung chung và chưa thể hình dung rõ công việc sau khi tốt nghiệp sẽ như thế nào.
Trong thời gian khủng hoảng đó, Quỳnh Châu may mắn tìm đọc được một bộ sách và thay đổi hoàn toàn suy nghĩ về mục tiêu đi làm trước đây. Cô nhanh chóng quyết định đi theo con đường khởi nghiệp với mong muốn xây dựng sự nghiệp cho riêng mình, không phụ thuộc bởi bất kỳ công ty, tổ chức nào và có thể tự do tài chính.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về quyết định chuyển hướng sang làm nông nghiệp, Quỳnh Châu cho biết: “Tôi chọn kinh doanh nông nghiệp vì bản thân lớn lên trong gia đình làm vườn, trồng trọt rau củ.
Nhận thấy sự khó khăn của nông dân, làm rất nhiều nhưng thu về không được bao nhiêu, tôi luôn mong muốn áp dụng kiến thức đã học để giúp đỡ mọi người có được nguồn thu nhập từ nông sản cao hơn, xứng đáng với công sức họ bỏ ra”.
Khi biết con gái chuyển hướng sang làm nông nghiệp, mẹ của Quỳnh Châu chính là người phản đối nhiều nhất. Bởi lẽ, gia đình luôn mong muốn cô sẽ thoát được cảnh làm nông cực nhọc, có công việc văn phòng ổn định và không phải rơi vào vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như bố mẹ ngày xưa.
Những lúc như thế, bố luôn là người đứng ra bảo vệ và ủng hộ lựa chọn của Quỳnh Châu. Nhận lấy “chiếc phao cứu sinh” đặc biệt, cô nàng như có thêm động lực để cố gắng tìm ra hướng đi mới trong giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách.
Lựa chọn khởi nghiệp trên chính mảnh đất của gia đình, Quỳnh Châu đã mất không ít thời gian giải thích cho bố mẹ hiểu về phương thức canh tác kiểu mới, có đội ngũ trồng trọt riêng và không mất nhiều công sức như làm truyền thống.
Mỗi quyết định được đưa ra đều không hề dễ dàng đối với cô gái Lâm Đồng. So với các bạn làm việc tại công ty, cô phải đánh đổi khá nhiều quyền lợi cơ bản như mức lương cao, chế độ chăm sóc, đãi ngộ nhân viên, hoạt động trải nghiệm… để có thể theo đuổi đúng đam mê, sở thích.
“Thời gian đầu mới làm, tôi suy nghĩ nhiều, cảm thấy bản thân thiếu hụt những điều đó so với bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, tôi vẫn có những đồng đội ở bên nhau và luôn tìm cách tự tạo niềm vui nhỏ bé với nhau.
Khi xác định được tầm nhìn vài năm tới của doanh nghiệp, tôi đặt niềm tin vào sự nỗ lực của bản thân. Chỉ cần không từ bỏ, các thành viên sẽ nhận lại nhiều hơn những gì ở hiện tại, quyết tâm vượt khó và chờ đợi ngày huy hoàng”.
Gen Z và mô hình trồng rau mới lạ
Ý tưởng khởi nghiệp dự án “21m2 Goods” – đơn vị vận hành và quản lý nông nghiệp sạch – của Quỳnh Châu và các cộng sự xuất phát từ chính lần đi tham quan một vùng nông nghiệp ở Lâm Đồng. Đây là nơi cung cấp rau củ chủ lực cho Việt Nam.
Cô nhận thấy, đa số hộ dân tại đây đều có một khu vườn nhỏ bên cạnh nhà trồng đủ loại, không phun thuốc sâu để phục vụ gia đình. Đặc biệt, họ chỉ sử dụng rau củ ở đó chứ không ăn nông sản ở vườn trồng bán cho thương lái.
Quỳnh Châu nhanh chóng nảy ra suy nghĩ nhân bản mô hình canh tác thú vị này để người dân thành thị có cơ hội sử dụng nguồn rau sạch, đạt chuẩn hữu cơ từ chính khu vườn riêng của nhà mình.
Nhắc về điểm đặc biệt của dự án, cô gái sinh năm 2000 bộc bạch: “Nhóm tôi xây dựng một tiêu chuẩn mới trong canh tác gọi là “Nông nghiệp 5 sao”. Thay vì thông qua nhiều trung gian, mỗi gia đình sẽ sở hữu “một vườn rau từ xa”, trực tiếp thuê đất và nhân công ở Đà Lạt để trồng loại rau ưa thích, chờ ngày thu hoạch sẽ vận chuyển đến tận bếp ăn.
Toàn bộ quá trình trồng rau của khách hàng sẽ được đảm bảo chuẩn hữu cơ 100% và có riêng đội ngũ nhân viên, tiến sĩ nông nghiệp với nhiều năm kinh nghiệm quản lý, vận hành”.
Theo Quỳnh Châu, việc thúc đẩy mô hình này không chỉ tạo ra cơ hội việc làm mới cho người dân, kỹ sư nông nghiệp mà còn góp phần định nghĩa lại thói quen sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương và đem lại nhiều lợi ích về sức khỏe.
Mới đi vào hoạt động được hơn 4 tháng nhưng dự án nông nghiệp của Quỳnh Châu đã đón nhận gần 200 khách đăng ký thuê vườn kèm theo sự hài lòng với chất lượng rau sạch nhận về hàng tuần.
“Trung bình với 5m2 đất vườn, tôi sẽ cho các khách hàng thuê với giá khoảng 430.000 đồng/tháng, đã bao gồm đầy đủ các khoản chi phí như canh tác, nhân công, vận chuyển…
Vì thời gian đầu phải chịu một số chi phí cố định nên tôi và cộng sự đã cố gắng tận dụng các kênh truyền thông trực tuyến để nhân rộng thị trường, đưa mô hình tiếp cận đến với nhiều người nhằm duy trì mức doanh thu ổn định”, Châu nói thêm.
Trong suốt quá trình quản lý công việc, Quỳnh Châu không tránh khỏi những khó khăn, thử thách. Mỗi lần đối diện với điều đó, cô gái Lâm Đồng cùng các thành viên trong dự án luôn cố gắng giữ tinh thần thép, xử lý thật nhanh các sự cố ngoài ý muốn để rau sạch được giao kịp cho khách trong ngày.
Chia sẻ về dự định trong tương lai, Quỳnh Châu mong muốn trong vòng 5 năm tới sẽ đồng hành và phát triển lớn mạnh các vùng trồng nông nghiệp bền vững chuẩn hữu cơ, tạo nguồn sản phẩm dồi dào để cung cấp cho thị trường tiềm năng trong và ngoài nước.
Đồng thời, cô cũng tìm kiếm thêm bạn trẻ Gen Z (những người sinh năm 1997-2012) có tinh thần khởi nghiệp, yêu thích nông nghiệp cùng tham gia xây dựng hệ sinh thái ngày càng vững mạnh.
Ảnh: NVCC – Dantri.com.vn