Ông Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong 3 đợt thi đầu tiên diễn ra trong tháng 3 và 4 phục vụ 50.742 lượt thi, trong đó 15 thí sinh bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế thi.
Thống kê phổ điểm cao nhất là 129/150, thấp nhất 17/150, danh tính các thí sinh được trung tâm giữ kín, sẽ công bố sau khi kết thúc 6 đợt thi.
Mức điểm trung bình và điểm trung vị sau 3 đợt tổ chức kỳ thi lần lượt tương ứng là 77,2/150 và 77/150; độ lệch chuẩn là 13,3.
Ba đợt thi còn lại của kỳ thi HSA năm nay diễn ra vào các ngày 11 – 12/5, 25 – 26/5 và 1-2/6
Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT (HSA) do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tiếp nhận 104.575 lượt đăng ký dự thi.
Kỳ thi diễn ra 6 đợt, từ ngày 23/3 đến ngày 2/6 tại 11 tỉnh thành gồm Hà Nội, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong số 10 tỉnh thành có số lượng thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất, Hà Nội luôn chiếm vị trí số một, tiếp đó là Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Nghệ An, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.
Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của Đại hộc Quốc gia Hà Nội năm nay gồm 3 phần:
- Phần 1, tư duy định lượng (Toán học, 50 câu hỏi, thời gian 75 phút)
- Phần 2, tư duy định tính (Ngữ văn – Ngôn ngữ, 50 câu hỏi – 60 phút)
- Phần 3, khoa học (Tự nhiên – Xã hội, 50 câu hỏi – 60 phút).
Tổng số câu hỏi chấm điểm là 150 câu hỏi, trong đó 132 câu hỏi trắc nghiệm bốn lựa chọn với 1 đáp án đúng duy nhất, 15 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Toán học, 3 câu hỏi điền đáp án lĩnh vực Vật Lý, Hóa học, Sinh học.
Trong mỗi phần có 50 câu hỏi chấm điểm nhưng có thể kèm thêm 1-3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm. Các câu hỏi thử nghiệm (không tính điểm) được trộn ngẫu nhiên. Bài thi có câu hỏi thử nghiệm thời gian làm bài sẽ kéo dài thêm 24 phút.
Kiến thức trong phần 1 và 2 được phân bổ đều trong chương trình lớp 10 – 10%, lớp 11 – 20% và lớp 12 70%.
Riêng với phần 3, kiến thức trong chương trình lớp 11 chiếm 30% và lớp 12 – 70%.