Trở thành thủ khoa đầu ra, Nguyên Khôi phải trải qua chặng đường không hề dễ dàng. Giai đoạn căng thẳng nhất với Khôi là cuối năm 4, khi giành được suất thực tập tại Deloitte – một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới.
Nguyễn Đình Nguyên Khôi (2002, Ninh Bình) là sinh viên ngành Kiểm toán chất lượng cao, vừa tốt nghiệp thủ khoa của Viện Đào tạo Tiên tiến, Chất lượng cao và POHE, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân với GPA 3.98/4.0.
Trong buổi lễ trao bằng tốt nghiệp, trước thầy cô và bạn bè, Nguyên Khôi cho biết danh hiệu thủ khoa với em là niềm vinh dự, nhưng em không bao giờ coi “thủ khoa” là một điều gì đó xuất sắc hơn người khác.
“Xã hội cần nhiều hơn hai từ ‘học giỏi’ và ngoài kia còn vô vàn người giỏi hơn em. Sự khiêm tốn, không tự mãn, luôn sẵn sàng tiếp thu kiến thức là điều em luôn nhắc nhở bản thân mỗi ngày”, Khôi nói.
Nguyễn Đình Nguyên Khôi tốt nghiệp với GPA 3.98/4.0 (Ảnh: NVCC)
Là cựu học sinh chuyên Anh của Trường THPT Chuyên Lương Văn Thụy (Ninh Bình), Khôi đỗ vào ngành Kinh tế đầu tư của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân theo diện xét tuyển học bạ của học sinh trường chuyên. Tuy nhiên, đây không phải ngành học nam sinh yêu thích.
Nhận thấy bản thân có khả năng chịu áp lực và làm việc độc lập, Khôi luôn mong muốn theo học ngành Kiểm toán nhưng sau đó lại không đỗ vào ngành này. Sau khi biết sinh viên vào trường sẽ có cơ hội thi sang các lớp chất lượng cao, Khôi quyết định thử sức. Lần này, nam sinh thi đỗ vào ngành Kiểm toán chất lượng cao đúng như nguyện vọng.
Vào đại học, Nguyên Khôi luôn xem câu nói của một số anh chị đi trước như kim chỉ nam, rằng “nếu lên đại học vẫn giữ cường độ học tập và quyết tâm như những năm cấp 3, ra trường sẽ có cơ hội tốt nghiệp bằng Xuất sắc”. Vì thế ngay từ năm nhất, Khôi đã giữ thái độ nghiêm túc học hành.
“Em nghĩ rằng sự chủ động và kỷ luật rất quan trọng, nhất là trong việc học. Nhờ thế, mình hoàn toàn có thể đạt những mục tiêu đã đề ra. Mặt khác, do khối lượng kiến thức trong chương trình khá dày nhưng thời gian trên lớp hạn hẹp, thầy cô không thể giảng hết tất cả. Nếu không chủ động tìm tòi, đọc thêm tài liệu, sinh viên sẽ không nắm chắc kiến thức được”, Khôi nói.
Đặt quyết tâm như vậy nhưng trong học kỳ đầu tiên, Khôi vẫn gặp phải “vấn đề chung” của sinh viên năm nhất là các môn đại cương, chẳng hạn môn Kinh tế vĩ mô.
“Những buổi đầu tiên em không hiểu gì cả. Bạn bè xung quanh em ai cũng ‘kêu trời’ vì môn này. Không biết phải hỏi ai, em quyết định tìm kiếm trên mạng xem có lớp nào dạy thêm không. Được một người bạn giới thiệu, em đi học thêm khoảng 7-8 buổi và dần hiểu bản chất vấn đề”, Khôi kể.
Khôi cho rằng việc học thêm không xấu nếu xuất phát từ nhu cầu chính đáng là học để lấy kiến thức. Khi việc học trên lớp chưa đủ với những môn khó tiếp thu, việc đi học thêm sẽ giúp sinh viên hiểu cặn kẽ hơn vấn đề.
Nguyên Khôi (bên phải) và bạn học trong ngày nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh: NVCC).
Ngoài ra sau mỗi buổi học, Khôi thường dành thời gian đọc lại các slide bài giảng, ghi lại những kiến thức cần nhớ và làm bài tập trong giáo trình. Nam sinh cũng có một nhóm bạn thường xuyên hỗ trợ, chia sẻ tài liệu học tập cho nhau trước mỗi kỳ thi. Cách học nhóm, theo Khôi, rất hiệu quả, bởi nếu chỉ tìm kiếm một mình sẽ khó tìm được nguồn tài liệu phong phú như thế.
Bên cạnh đó, để đạt được kết quả tốt ở từng môn học, Khôi cho rằng sinh viên luôn phải nỗ lực từng chút, dù là điểm chuyên cần, giữa kỳ hay cuối kỳ. “Trong các buổi học, em thường giơ tay lên bảng chữa bài hoặc trả lời. Nhờ vậy, giảng viên cũng sẽ cộng vào các điểm thành phần, nâng điểm tổng kết lên”.
Luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc học và đặt làm ưu tiên hàng đầu, nhờ vậy, trong 8 kỳ học, Nguyên Khôi đều giành được học bổng khuyến khích của nhà trường.
Ngoài việc học, Khôi tích cực tham gia các hoạt động của trường. Được kết nạp Đảng ngay từ những năm cấp 3, lên năm nhất đại học, Khôi được bầu làm Bí thư chi đoàn. Đến năm 3, nam sinh đảm nhiệm vị trí Bí thư chi bộ sinh viên, sau đó là Uỷ viên Ban thường vụ Đoàn Thanh niên nhà trường.
Cùng lúc kiêm nhiệm nhiều vai trò, giai đoạn căng thẳng nhất với Khôi là cuối năm 4, khi vừa vượt qua các vòng thi khắt khe và giành được suất thực tập tại Deloitte – một trong 4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới.
Dù là thực tập sinh nhưng trong suốt 4 tháng tại Deloitte, Khôi đối mặt với áp lực về khối lượng công việc khổng lồ. Thời gian đầu, nam sinh cũng “vỡ mộng” vì không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Ngoài việc nhờ tới sự hướng dẫn, hỗ trợ của các anh chị đồng nghiệp, Khôi tìm đọc lại tài liệu liên quan đến khách hàng từ những năm trước để xem cách thức làm.
Không ít lần Khôi gặp rắc rối vì chưa có kinh nghiệm hay đặt câu hỏi cho khách hàng quá chung chung, nhưng cũng nhờ đó nam sinh thấy mình trưởng thành, tự tin giao tiếp và thấu hiểu hơn về nghề.
“Áp lực lớn cũng khiến em trưởng thành nhanh hơn. Việc bắt tay hành động trong thực tiễn giúp em hiểu mình cần làm và học thêm những gì, bởi chỉ học lý thuyết suông thôi sẽ không làm được”.
Tân thủ khoa Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng cho rằng, học và làm là hai việc hoàn toàn khác nhau. Dù ở trong trường có đạt thành tích gì, khi bước ra ngoài thị trường lao động, ai cũng sẽ phải làm lại từ đầu.
Hiện tại, Nguyên Khôi vẫn muốn thử sức với công việc liên quan đến chuyên ngành là làm tại bộ phận kiểm soát nội bộ của một công ty ở Hà Nội. Tuy nhiên, 10X vẫn mong muốn tiếp tục “apply” học bổng thạc sĩ ở các nước châu Âu để phục vụ cho công việc trong tương lai.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/thu-khoa-kinh-te-quoc-dan-giu-cuong-do-hoc-nhu-cap-3-se-tot-nghiep-xuat-sac-2310387.html