Bốn năm trước, Nguyễn Hữu Hưng là một trong những thủ khoa toàn quốc khối C00 (văn – sử – địa). Mới đây bạn vừa chính thức tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) với điểm xuất sắc 9,2/10 ngành văn học.
Hưng là một trong số ít thủ khoa kép được TP.HCM tuyên dương tại chương trình Vinh danh thủ khoa 2024 tối 6-12. Thành Đoàn cùng Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM sẽ vinh danh 88 thủ khoa, trong đó có 43 thủ khoa trúng tuyển và 45 thủ khoa tốt nghiệp của các trường trên địa bàn TP năm nay.
Thủ khoa được bà treo thưởng để đạt hạng nhì
* Bạn nói không học sống chết, song lại luôn dẫn đầu về điểm số. Động lực nào để làm được như thế nhỉ?
– Hồi chuyển từ THCS sang THPT, tôi còn bỡ ngỡ, nên điểm không cao. Phải kết thúc học kỳ 1, điểm trung bình của tôi mới vươn lên nhất khối. Điều này tạo cho tôi mục tiêu phấn đấu và cố gắng học toàn diện các môn.
Năm lớp 12, tôi cũng có chút áp lực vì bạn bè, thầy cô vẫn nhớ đến mình hay đạt điểm cao nhất khối các năm học. Thêm nữa tôi tham gia và đoạt giải các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Tôi tự đặt mục tiêu phải đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp và vào đại học.
Mục tiêu tự đặt cho mình nho nhỏ như tôi phấn đấu trở thành thủ khoa của tỉnh, chứ đâu ngờ lại là thủ khoa toàn quốc khối thi C00 năm đó.
Hay tôi cũng tự đặt mục tiêu gắng đạt thủ khoa ngành khi tốt nghiệp đại học, vì thật lòng không nghĩ mình có thể trở thành thủ khoa toàn trường, nên cũng hơi bất ngờ với kết quả này.
* Có bất ngờ, nhưng hẳn rằng bạn ấn tượng với những gì mình đã gặt hái được?
– Với những gì vừa qua, tôi nghĩ chủ yếu là tâm thế mình đối diện. Mình nghĩ điều đó lớn thì nó sẽ lớn. Khi mới đứng đầu các bảng thành tích điểm số, tôi cũng từng nghĩ mình to lớn. Nhưng ngẫm lại thấy mình vẫn vậy, cuộc sống mình vẫn thế, cũng học hành và lớn lên như bao bạn học sinh, sinh viên khác.
Tôi nỗ lực học nhiều không phải chỉ để tích lũy kiến thức, mà là tâm thế và thái độ của tôi trước các vấn đề trong cuộc sống. Tôi rất sợ cảm giác mình bị dừng lại và trì trệ. Bản thân luôn cố gắng vận động, đã đề ra mục tiêu gì phải cố gắng theo đuổi còn kết quả ra sao là điểm cuối của cả hành trình.
Gieo mầm thay vì gò ép trẻ em
* Nghe là bạn chọn trở thành giáo viên ngữ văn, sao lại dẫn đến con đường này?
– Tôi quan tâm đến ngôn ngữ và văn học từ lúc tiểu học. Hồi lớp 4, trong khi bạn bè hầu hết đều chưa thể viết các bài văn dài thì tôi đã viết được hai trang giấy bằng nét chữ rất đẹp. Bỗng nhiên mình trở thành điểm sáng, kiểu “hiện tượng lạ” của lớp.
Thế mạnh đó giúp tôi bắt đầu theo văn học, may mắn được các thầy cô dìu dắt, nuôi dưỡng đam mê của mình. Sau này lên đại học, triết lý giáo dục khai phóng của trường đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Tôi muốn vận dụng triết lý này vào phương pháp giảng dạy của mình khi trở thành một giáo viên ngữ văn.
* Có thể hình dung về một thầy giáo ngữ văn gen Z như thế nào?
– Một trong những quan niệm giáo dục truyền thống là giáo viên kỳ vọng học sinh phải trả lời đúng từng câu, từng chữ. Học sinh của tôi hỏi nếu cũng ghi cùng một ý nhưng cách diễn đạt khác có được chấp nhận không. Tôi nói được, mà các em có vẻ bất ngờ lắm.
Tôi muốn tôn trọng mọi ý kiến và suy nghĩ của học sinh. Nếu còn gì chưa phù hợp, mình điều chỉnh.
Khi đọc đủ nhiều, mình sẽ thấy trong mỗi câu trả lời đều có tính hợp lý và chưa hợp lý. Vì vậy nhiệm vụ của người giáo viên là quan sát, có sự bao dung để hướng học sinh đi đúng tinh thần của bài học nhưng không gò ép khiến trẻ không vui mà bản thân mình cũng không thoải mái.
Nguyễn Hữu Hưng
Tôi không thuộc tuýp người sống chết cũng phải học. Tôi đi thi để biết khả năng của mình, và luôn muốn cân bằng giữa việc học tập, vui chơi với các mối quan hệ bạn bè, gia đình. Gia đình cũng không muốn tôi chỉ lo học mà mất cân bằng trong cuộc sống, hay ảnh hưởng sức khỏe. Có lần bà nội tôi còn nói sẽ thưởng nếu tôi đạt hạng nhì chứ không đứng nhất nữa.
* Có thách thức gì khi dạy văn trong thời đại công nghệ và mọi thứ phát triển nhanh chóng hiện nay không?
– Tôi cảm nhận khả năng cảm thụ của trẻ em và cả nhiều người trưởng thành có yếu đi. Các nền tảng mạng xã hội khuyến khích tiêu thụ thông tin nhanh chóng, vội vàng có tác động nhất định. Tôi không kỳ vọng học sinh phải thuộc làu và nắm bắt tinh thần các tác phẩm văn học như cách thế hệ trước được học.
Điều này có thể làm giáo viên thấy khó khăn và học sinh cũng vất vả. Tôi chọn tập trung khơi gợi hình ảnh, thông điệp liên quan đến bài học, giống như gieo một hạt mầm để hình ảnh ấy sẽ nảy nở trong suy nghĩ của trẻ và giúp nhớ lâu hơn.
Bạn bè gặp không nói về thành công
Chia sẻ góc nhìn, Hưng nói không ít người trẻ ngày nay bị áp lực phải luôn nỗ lực tiến lên để không bị bỏ lại phía sau. Dù kết nối rộng khắp nhưng mạng xã hội không thể chạm sâu vào tâm hồn từng người để họ bộc bạch khó khăn, trở ngại nên càng dễ bị áp lực trước hình ảnh đẹp đẽ nhiều người đăng tải.
Mỗi chúng ta không thể sống tách khỏi cộng đồng dù là cộng đồng lớn như xã hội hay nhỏ hơn như vòng tròn bạn bè, gia đình, thầy cô. Hướng về con người, chúng ta có thể lắng nghe và giúp đỡ lẫn nhau. Nên với Hưng, mỗi kết nối nhỏ mật thiết ý nghĩa hơn rất nhiều so với kết nối rộng khắp mà hời hợt.
“Bạn bè đồng hành với nhau qua những câu chuyện hằng ngày chứ không chỉ gặp nhau để nói về kết quả và thành tích. Có thể kể cho nhau nghe câu chuyện vui hay không giấu nỗi buồn trong lòng chính là ý nghĩa của một mối quan hệ. Khi ngồi lại và dành cho nhau sự quan tâm thật lòng, cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng, thoải mái hơn rất nhiều”, anh bạn gen Z tâm tình.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/thu-khoa-dau-ra-truong-dh-khxhnv-tp-hcm-tung-duoc-ba-treo-thuong-neu-chi-dat-giai-nhi-2024120522133063.htm