Hà Khải Minh (1984) sinh ra và lớn lên ở Quảng Đông (Trung Quốc). Ngay từ tiểu học, anh đã quan tâm đến máy tính. Ngoài ra, anh cũng có niềm đam mê đọc tạp chí công nghệ tiếng Anh. Thời trung học, Khải Minh từng giành giải Nhất Cuộc thi Hóa học tỉnh Quảng Đông. Lên cấp 3, anh tiếp tục đứng đầu Cuộc thi Học sinh giỏi Vật lý quốc gia.
Tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2003, Khải Minh đạt điểm tuyệt đối 900/900. Thành tích này giúp anh trở thành thủ khoa toàn quốc và đỗ vào Đại học Thanh Hoa, ngành Khoa học máy tính. Trong 4 năm học tại đây, Khải Minh giành được học bổng suốt 3 năm nhờ điểm số xuất sắc.
Khi đang là sinh viên năm 3, anh có cơ hội thực tập tại Trung tâm Nghiên cứu Microsoft châu Á (MSRA), trụ sở ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Tại đây, anh tham gia nghiên cứu cùng nhóm điện toán trực quan (Visual Computing).
Tốt nghiệp đại học năm 2007, anh được tuyển thẳng học tiến sĩ tại Đại học Trung Văn Hong Kong (Trung Quốc). Dưới sự hướng dẫn của giáo sư Thang Hiểu Âu, năm 2009, Khải Minh trở thành người đầu tiên ở Trung Quốc giành được Giải thưởng bài nghiên cứu hay nhất tại Hội nghị Thị giác máy tính và Nhận dạng mẫu (CVPR), với đề xuất Thuật Toán khử độ mờ hình ảnh.
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ ngành Kỹ thuật thông tin, Khải Minh chính thức gia nhập Trung tâm Nghiên cứu Microsoft châu Á (MSRA). Năm 2015, anh cùng nhóm nghiên cứu vượt qua các đối thủ như: Google, Intel và Qualcomm, giành chiến thắng Cuộc thi Nhận dạng Ảnh ImageNet (ICCV) với Thiết kế mô hình mạng dư 152 tầng (ResNet-152).
Thành công với mô hình mạng ResNet-152, 1 năm sau, Khải Minh tiếp tục nhận Giải thưởng bài nghiên cứu hay nhất tại Hội nghị về Thị giác Máy tính và Nhận dạng mẫu (CVPR). Với thành tựu trên, Tiến sĩ Khải Minh được công nhận là nhà khoa học nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tài năng.
Sau 5 năm gắn bó với Trung tâm Nghiên cứu Microsoft châu Á (MSRA), tháng 8/2016, Khải Minh nghỉ việc gia nhập Facebook AI Research (FAIR). Một kỹ sư trưởng về trí tuệ nhân tạo tại Google, nhận định, năng lực của Tiến sĩ Khải Minh sẽ ở bậc E9. Với cấp bậc này, thu nhập hàng năm của anh lên đến hơn 1 triệu USD (24 tỷ đồng).
Kỹ sư khác làm việc trong lĩnh vực phần cứng máy tính ở Mỹ, cho rằng, Khải Minh có danh tiếng học thuật lớn, nên trình độ đầu vào tương đối cao. “Sau khi làm việc tại Meta được gần 8 năm, về cơ bản Khải Minh đạt được nhiều thành tựu và tự do tài chính”.
Chuyên gia thuật toán cao cấp khác tại Alibaba, chia sẻ, sẽ là sự lựa chọn khôn ngoan cho Khải Minh khi tham gia vào công tác nghiên cứu học thuật thuần túy hiện nay. “Một bậc thầy vĩ đại như anh bước vào giới học thuật để tập trung nghiên cứu, chắc chắn sẽ có nhiều đóng góp cho nhân loại”, người này nhận định.
Công việc nghiên cứu độc lập tại Facebook AI Research (FAIR) của tiến sĩ đạt nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, phải kể đến nghiên cứu Thuật toán phát hiện đối tượng hiệu suất cao (Mask R-CNN) của Khải Minh. Thuật toán giải quyết vấn đề phân đoạn đối tượng ở cấp độ cá thể trong ảnh.
Kết quả nghiên cứu này, giúp anh lần 3 nhận Giải thưởng bài nghiên cứu hay nhất tại Hội nghị về Thị giác Máy tính và Nhận dạng mẫu (CVPR) năm 2018. Theo giáo sư Thang Hiểu Âu, Khải Minh là nhà nghiên cứu đầu tiên trên thế giới, 3 lần giành giải thưởng tại CVPR và 1 lần giành giải ở ICCV, trong vòng chưa đầy 10 năm, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ.
Là người hướng dẫn Tiến sĩ Khải Minh bước vào con đường học thuật từ những ngày đầu, tháng 7/2023, tại Hội nghị Trí tuệ nhân tạo thế giới diễn ra ở Thượng Hải (Trung Quốc), giáo sư Thang Hiểu Âu, thẳng thắn thừa nhận, giá trị những công trình nghiên cứu của học trò thời gian qua.
Tính đến nay, Khải Minh đã xuất bản 73 bài báo trên các tạp chí hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo. Tổng số lượt trích dẫn học thuật của các bài báo này đã vượt quá 460.000 và tiếp tục tăng thêm 100.000 lượt/năm. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng của các bài báo. Chỉ tính riêng trên tạp chí quốc tế hàng đầu IEEE, tiến sĩ Khải Minh đã sở hữu 13 bài báo.
Sau hàng loạt những đóng góp mang tính đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, năm 2022, Tiến sĩ Khải Minh đứng đầu danh sách nhà nghiên cứu ảnh hưởng nhất trên thế giới. Tháng 8/2023, tiến sĩ vinh dự nhận được Giải thưởng Khoa học tương lai về Toán học và Khoa học Máy tính trị giá 330.000 USD (8,3 tỷ đồng).
Với tư cách là người chiến thắng Giải thưởng Khoa học tương lai, tháng 10/2023, anh có bài phát biểu về Tác động của mạng sâu trong lĩnh vực Thị giác Máy tính và xử lý ngôn ngữ tự nhiên, cũng như tiềm năng phát triển của Trí tuệ nhân tạo trong tương lại, tại Đại học Trung Văn Hong Kong (Trung Quốc).
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ được đền đáp xứng đáng, tháng 2/2024, Tiến sĩ Khải Minh chính thức gia nhập khoa Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với tư cách là phó giáo sư.
Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Khải Minh là một thiên tài. Jin Fan – nhà khoa học nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại NVIDIA, cho hay: “Chúng ta nên chúc mừng MIT vì đã chiêu mộ được Khải Minh”. Nhiều người kỳ vọng, anh sẽ tiếp tục tạo ra các bước đột phá tại trường thời gian tới.