Thiếu tôn trọng thủ khoa
Điểm nhấn của mùa tuyển sinh đại học năm nay chính là việc hai thủ khoa A00 cả nước bị đánh trật nguyện vọng 1 xét tuyển vào ngành khoa học máy tính của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Theo đó, Điểm chuẩn vào ngành khoa học máy tính (IT1) lấy 29.42 điểm (theo kết quả thi tốt nghiệp THPT) trong khi hai thủ khoa khối A00 của cả nước đạt 29,35 điểm.
Cụ thể, thủ khoa toàn quốc khối A00 Nguyễn Mạnh Thắng là cựu học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang. Nam sinh đạt số điểm 29,35, trong đó, môn Toán đạt 9,6 điểm, môn Lý đạt 9,75 điểm và môn Hóa đạt 10 điểm. Cùng với Thắng, Nguyễn Mạnh Hùng, cựu học sinh Trường THPT Trưng Vương (Văn Lâm, Hưng Yên) cũng là một trong ba thủ khoa khối A00 toàn quốc với số điểm 29,35. Trong đó, Hùng đạt 10 điểm môn Vật lý, 9,6 điểm môn Toán và 9,75 điểm môn Hóa học. Cả hai đều đăng ký nguyện vọng vào ngành Khoa học máy tính (IT1) của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Do nhà trường hay do Bộ Giáo dục và Đào tạo?Câu chuyện thủ khoa khối A00 bị trượt nguyện vọng 1 theo ghi nhận của phóng viên, thông tin cho rằng do nhà trường vì trường tự chủ tuyển sinh. Nhưng có ý kiến cho rằng do quét nguyện vọng lọc ảo của Bộ cho ra kết quả như vậy. Việc quy kết trách nhiệm hiện nay là rất khó nhưng rõ ràng nếu quy chế đúng thì phải xem lại quy chế; chưa tính hết những trường hợp này. |
Sau khi Đại học Bách Khoa công bố điểm chuẩn, nhiều người bất ngờ và bất bình về việc hai thí sinh này bị đánh trượt. Anh Trần Trung Kiên ở Hà Tĩnh cho rằng, thủ khoa không tuyển thì còn tuyển ai? Để đạt được thủ khoa, thí sinh phải có một trình độ cực kỳ cao, hơn nữa đây là kỳ thi công khai, minh bạch nên năng lực của các em không thể phủ nhận.
Đồng quan điểm, anh Trần Quốc Tuấn ở Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, bản thân anh không hiểu vì sao người ta lại đánh trượt thủ khoa. Đáng lẽ phải ưu tiên thủ khoa mới đúng. Không chỉ khó hiểu mà nhiều người cảm thấy bất bình, họ thấy việc tuyển sinh như vậy là để lọt người tài. “Đến các cháu thủ khoa còn không lựa chọn thì không có bất kỳ sự lý giải nào có thể giải thích một cách khoa học về việc này” – anh Trần Quốc Tuấn bình luận.
Trái với tâm trạng khó hiểu và tỏ ra đáng tiếc với việc hai thủ khoa trên bị đánh trượt nguyện vọng 1, khi trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Tạ Hải Tùng – Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Bách Khoa Hà Nội lại tỏ ra bình thường. Bởi ông cho rằng, hai bạn này chỉ là thủ khoa khối A00 (Toán- Lý- Hóa). Trong khi, khối A còn có A01 (Toán- Lý- Anh).
Ông Hùng lý giải tiếp, trước hết Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển theo công thức (Toán x 2 + Lý + Hóa) x ¾ và ông cho rằng, điều đáng tiếc 2 thủ khoa cộng dồn thì cao nhất, nhưng Toán được 9,6 nên tính theo cách xét tuyển của Đại học Bách khoa (ưu tiên tư duy Toán học) thì thiệt chút! “Năm ngoái, IT1 không xét từ điểm THPT, mà chủ yếu từ kỳ thi Đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa tổ chức và xét tuyển tài năng (giải HSG, chuyên…), năm nay mở lại để động viên các em, nhưng chỉ tiêu vẫn chủ yếu cho hai loại hình trên, chưa kể khối A, ngoài A00 (Toán Lý Hóa) còn A01 (Toán Lý Anh)” – ông Tùng chia sẻ.
Trước việc dư luận cảm thấy tiếc nuối và bất công cho hai thủ khoa của cả nước, ông Tùng cho rằng: Cơ hội với hai thí sinh vẫn nguyên. Vì cả hai đều đỗ ngành Kỹ thuật máy tính (IT2). Sau khi nhập học vào Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Bách khoa Hà Nội, nếu có mong muốn, các em có thể tham gia xét tuyển vào lớp Cử nhân Tài năng khoa học máy tính. Và nếu các em thực sự giỏi, cơ hội vẫn rộng mở! “Cử nhân Tài năng khoa học máy tính, mỗi năm chỉ tuyển 40 em, toàn “hàng khủng”, và chỉ xét từ các em đã đỗ vào Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài ra, ngành IT1 và IT2 không quá khác biệt. Đây đều là Hệ cử nhân, khác biệt chỉ ở năm cuối (năm 4) và không nhiều. Hết cử nhân, muốn học Kỹ sư IT1, Ths IT1 là thoải mái” – ông Tùng chia sẻ.
Thiếu cả tâm và tầm
Việc dư luận cả nước tôn vinh thủ khoa, những tấm gương hiếu học đạt thành tích cao trong học tập thì việc đánh trượt nguyện vọng 1 của hai thủ khoa này thực sự là việc quá bất cập. “Dù sao hai em cũng là thủ khoa, nay bị đánh trượt nguyện vọng yêu thích chả khác nào đổ nước lạnh lên đầu” – chị Nguyễn Thu Hằng ở Đống Đa Hà Nội chia sẻ.
Thủ khoa thi tốt nghiệp vào học Đại học Bách khoa đều học giỏiÔng Tạ Hải Tùng – Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng thừa nhận, qua đào tạo nhiều năm, các em thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp THPT khi vào học đều học giỏi. Các em đều đủ năng lực để theo học ngành các em yêu thích. Tuy nhiên, do cách tính điểm trong tuyển sinh nên các em mới trượt nguyện vọng 1. |
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng Trường – Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội thấy tiếc cho 2 bạn thủ khoa. “Đại học Bách Khoa đã làm đúng quy chế quy định; tuy nhiên những trường hợp này thủ khoa thì hội đồng tuyển sinh có thể xét đặc cách ưu tiên xét tuyển thẳng. Việc này do tâm và tầm của nhà trường” – thầy Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho rằng, hiện các trường có nhiều phương án tuyển sinh, không chỉ dựa vào điểm thi tốt nghiệp do đó mới có việc thủ khoa kỳ thi tốt nghiệp trượt đại học. Vị này còn cho rằng, về nguyên tắc các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cứng nhắc áp đặt cho các trường. Trong tuyển sinh đại học, các trường được tự chủ tuyển sinh và các trường phải minh bạch trong vấn đề tuyển sinh. Nhưng dù tự chủ thế nào thì không để tình trạng thủ khoa lại trượt, em khác lại đậu.
“Các trường tuyển sinh như nào cũng được nhưng đảm bảo tính công bằng. Đối với trường của tôi, thì trường có tiêu chí nếu các em đạt thì nhận vào học. Các em cứ đạt chuẩn để theo học ngành mình yêu thích là nhận. Nhiều trường hiện chạy theo số lượng nhưng quên chất lượng. Việc lấy từ trên xuống dưới cuối cùng em giỏi lại gạt ra thì điều đó không đạt yêu cầu. Dù tuyển theo cách thức gì cũng không thể xảy ra tình trạng em thủ khoa lại trượt. Đó là điều không ổn” – ông Lê Trường Tùng bình luận.
Qua trao đổi với các chuyên gia và các bên có thể thấy, việc tuyển sinh đưa ra nhiều tiêu chí, cách tuyển, nhiều kỳ thi nhưng cuối cùng thủ khoa vẫn trượt. Điều này cho thấy, ma trận tuyển sinh, thi cử quá phức tạp mà kết quả tuyển sinh thiếu tính thuyết phục. Một cuộc tuyển sinh mà những người giỏi nhất trong số 1 triệu người tham gia vẫn không đậu vào ngành học yêu thích chắc chắn là có vấn đề.
Trinh Phúc