Thu hút nhân tài sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế
Phát biểu tại buổi làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội ngày 6/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững thì nguồn nhân lực là sức mạnh nội sinh, tài nguyên mới và đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài sẽ tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM đã hình thành gần 30 năm, từ chủ trương đúng đắn về phát triển giáo dục. Do vậy, đây là thời điểm cần tổng kết, đánh giá để đúc kết những điều đã làm tốt, những việc cần tư duy mới hơn để hai đơn vị phát huy được cao nhất dân chủ, trí tuệ và tiên phong dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo.
“Mục tiêu là để hai Đại học Quốc gia trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong đi đầu trong hội nhập và hoàn toàn có thể hội nhập bằng chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn. Hy vọng trong tương lai không chỉ là hai Đại học Quốc gia mà có thể thêm nhiều Đại học Quốc gia với vai trò sứ mệnh dẫn dắt vùng trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt vấn đề, sắp tới, ngành giáo dục sẽ tổng kết Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương liên quan đến giáo dục đào tạo. Do đó, cần xác định lại các hệ thống quan điểm, tư duy trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi. Bài toán sắp tới đặt ra đối với giáo dục đào tạo là đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và kỳ vọng của đất nước.
5 kiến nghị của ĐH Quốc gia TP.HCM
Tại buổi làm việc, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nêu 5 kiến nghị của ĐH Quốc gia TP.HCM đối với Chính phủ và các bộ, ngành.
PGS.TS Vũ Hải Quân kiến nghị Phó Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, triển khai các nội dung đã kiến nghị trong Đề án “Phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á“.
Ông Quân cho biết, năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết phát triển 6 Vùng chiến lược, trong đó nhấn mạnh vai trò của các trường đại học. Ngày 7/10/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
ĐH Quốc gia TP.HCM được Thủ tướng giao chủ trị Đề án “Phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM thuộc nhóm cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á”. Đề án này thuộc Chương trình hành động Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết 24, với tầm nhìn trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của nhân tài và lan tỏa tri thức, văn hóa Việt Nam; kiến tạo động lực tăng trưởng mới, không gian phát triển mới, nhanh và bền vững cho vùng Đông Nam Bộ.
Nhiệm vụ trọng tâm là phát triển các chương trình đào tạo, nghiên cứu và khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ bán dẫn, Công nghệ sinh học, Chuyển đổi số và Trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm đầu châu Á; phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với các trung tâm của khu vực và thế giới.
Đầu tháng 8/2023, ĐH Quốc gia TP.HCM hoàn thành dự thảo Đề án này, và đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt. Đây là định hướng quan trọng để ĐH Quốc gia TP.HCM tiếp tục sứ mệnh của mình, là thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước.
Thứ hai, ông Quân kiến nghị giao ĐH Quốc gia TP.HCM thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án thành phần thuộc phạm vi quản lý, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư phát triển.
Thứ ba, ĐH Quốc gia TP.HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về ĐH Quốc gia và Quyết định ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động của ĐH Quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên, theo hướng tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Theo đó, Nghị định cần làm rõ quy định trong khoản 2, Điều 8, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018: “Đại học quốc gia có quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy”.
Thứ tư, cần xem xét và bổ sung, làm rõ các nội dung quy định về danh hiệu thi đua, cờ thi đua và Bằng khen cấp ĐH Quốc gia; kết quả thi đua, khen thưởng cấp ĐH Quốc gia được công nhận tương đương cấp bộ, ngành, và được tích lũy khi xét khen thưởng cao hơn theo Luật Thi đua khen thưởng năm 2022, có hiệu lực ngày 1/10/2024 đã quy định ĐH Quốc gia được trình trực tiếp Thủ tướng các hình thức khen thưởng cấp Nhà nước tương đương các bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ.
Cuối cùng, PGS.TS Vũ Hải Quân kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép bố trí lại số vốn đã bị hủy do chưa giải ngân hết trong các năm trước đây, đối với dự án bồi thường giải phóng mặt bằng của ĐH Quốc gia TP.HCM tại tỉnh Bình Dương và TP.HCM, để kịp thời bổ sung vốn đẩy nhanh và dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng tại Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM.
Lâm Ngọc