Xác định việc thu hút hội viên là một trong những giải pháp quan trọng để tổ chức Hội ngày càng được củng cố và phát triển bền vững, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa mô hình sáng tạo, thiết thực. Tùy vào điều kiện thực tế địa phương mà Hội sẽ xây dựng các mô hình phù hợp, hướng đến mục tiêu vì lợi ích thiết thực của hội viên, phụ nữ; góp phần cùng địa phương thực hiện đạt và vượt các mục tiêu kinh tế – xã hội đã đề ra.
Lan tỏa truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”
Trong tháng 7 này, Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng. Rất nhiều hoạt động ý nghĩa của các cấp Hội đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực của hội viên, phụ nữ như: tổ chức đến tận nhà thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách; làm vệ sinh, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ; khởi công xây nhà tình nghĩa… Qua các buổi thăm hỏi, hầu hết cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Phước Long đều bày tỏ niềm tự hào về nghị lực kiên cường của các Mẹ Việt Nam anh hùng đã vượt qua nỗi đau mất mát chồng, con, tiếp tục sống vui, sống có ích trong thời bình.
Hội LHPN huyện Vĩnh Lợi thăm, tặng quà gia đình chính sách nhân kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ năm 2023. Ảnh: T.T
Để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” lan tỏa sâu rộng, hiệu quả, hằng năm, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội cơ sở rà soát từng hoàn cảnh gia đình chính sách để có hướng giúp đỡ hiệu quả, nhất là những đối tượng gặp khó khăn trong cuộc sống. Theo đó, mỗi chi hội cơ sở đều có việc làm thiết thực chăm sóc người có công, gia đình chính sách. Đơn cử như ở huyện Đông Hải, các chi hội sẽ vận động, phân công hội viên, phụ nữ địa phương thường xuyên đến giúp đỡ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn tược… cho những gia đình neo đơn, già yếu.
Hay như Hội LHPN huyện Phước Long, sau khi nắm rõ nhu cầu của hộ gia đình chính sách khó khăn, trong tháng 7 tri ân này, ngoài hỗ trợ tiền, Hội cũng linh hoạt vận động tặng cây, con giống, phương tiện sản xuất, giúp các gia đình phát triển kinh tế.
Hướng đến lợi ích của hội viên, phụ nữ
Để thu hút hội viên, các cấp Hội đã tăng cường công tác tuyên truyền về tổ chức Hội, các phong trào, hoạt động, trong đó đặc biệt chú trọng tuyên truyền về các quyền và lợi ích chính đáng, thiết thân đối với phụ nữ khi tham gia sinh hoạt Hội. Tiêu biểu như xây dựng các mô hình hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc của các cấp Hội đã dần tạo được niềm tin và sự gắn kết của các tầng lớp phụ nữ với tổ chức Hội. Hiện toàn tỉnh có trên 170 mô hình phát triển kinh tế; hỗ trợ thành lập 7 mô hình phát triển kinh tế cho phụ nữ khởi nghiệp tại 7 huyện, thị, thành phố; đồng thời hướng dẫn thực hiện hóa 30 ý tưởng và hoàn thành 20 ý tưởng tham gia cuộc thi “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp – kết nối thành công” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Thông qua mô hình này, chị em có dịp học hỏi kỹ thuật từ ngành chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, đoàn kết giúp đỡ nhau, tăng dần quy mô đầu tư cho mô hình sản xuất – kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã và đang duy trì, phát triển khá tốt một số mô hình, hoạt động đã có “thương hiệu” như: “Chuyển giao vật dụng, phương tiện cho hộ nghèo”; tặng sổ tiết kiệm; hùn vốn xoay vòng. Hay việc xây dựng các mô hình tập hợp phù hợp với từng đối tượng phụ nữ như: Đối tượng phụ nữ nông dân thì có Tổ phụ nữ chăn nuôi, trồng trọt, đan đát…; phụ nữ kinh doanh thì thành lập Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp, Tổ phụ nữ tiểu thương, buôn bán nhỏ; phụ nữ trí thức thì sinh hoạt ở Câu lạc bộ Nữ lãnh đạo, quản lý…
Bằng sự đổi mới, xây dựng các hoạt động, mô hình thiết thực, phù hợp, các cấp Hội đã thu hút hội viên tham gia tích cực, hiệu quả. Đồng thời đưa công tác Hội và phong trào phụ nữ của tỉnh có những chuyển biến rõ nét, phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Hoàng Uyên