Trong mục tiêu chuyển đổi cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Đầm Hà xác định ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất là nền tảng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, năng suất nông sản. Một trong những giải pháp là thu hút các doanh nghiệp giàu tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp.
Những năm qua, bên cạnh các chiến lược phù hợp để khai thác hiệu quả những lợi thế tự nhiên cho phát triển nông nghiệp, huyện chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các dự án nông nghiệp hiện đại vào địa bàn. Các TTHC tại Trung tâm Hành chính công huyện được tiếp nhận, giải quyết theo quy trình giảm thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Huyện triển khai hiệu quả công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án; quan tâm đào tạo, phát triển nguồn lao động chất lượng cao; tích cực xây dựng các quy hoạch; tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông từ đô thị đến nông thôn. Đội ngũ lãnh đạo huyện, các phòng, ban chuyên môn thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn…
Với những chủ trương phù hợp, kịp thời của huyện, đến nay có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào huyện, như: Tập đoàn Việt – Úc, Tập đoàn Mavin, Tập đoàn TH, Công ty CP Thực phẩm BIM, Công ty Khoa học công nghệ Lucaci, Công ty CP Funny Group JSC…, với tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp hàng nghìn tỷ đồng. Qua đó góp phần mở rộng quy mô, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế – xã hội địa phương. Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện, mục tiêu xuyên suốt của huyện là tiếp tục thu hút đầu tư, kết hợp với chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp; tích cực chuyển giao, áp dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất, đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Trong Đề án “Phát triển vùng cây ăn quả tập trung huyện Đầm Hà đến năm 2030”, việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp tiếp tục được chú trọng.
Bên cạnh vai trò chủ thể của người nông dân trong dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất; các HTX, doanh nghiệp được khuyến khích vào cuộc, phát huy vai trò, đầu tư liên kết với nông dân, từ sản xuất, thu mua, bảo quản đến chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; thường xuyên tổ chức các hiệp hội ngành hàng, nhằm tăng cường trao đổi thông tin thị trường, hợp tác sản xuất. Để nâng cao năng lực chế biến, bảo quản sản phẩm hoa quả, huyện đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến để hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất cây ăn quả; gắn sản xuất với thu hoạch, bảo quản chế biến, thị trường để nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm. Huyện phấn đấu đến năm 2030, tại mỗi khu vực sản xuất tập trung, HTX sản xuất quả, cơ sở, đại lý thu gom có ít nhất một xưởng sơ chế đóng gói và kho mát với quy mô phù hợp. Sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của 3 nhà (nhà nông, nhà đầu tư, nhà quản lý) tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nền nông nghiệp hiện đại.
Thực hiện Đề án “Phát triển vùng cây ăn quả tập trung huyện Đầm Hà đến năm 2030”, huyện Đầm Hà đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có: – Diện tích cây ăn quả toàn huyện có trên 1.500 ha cây ăn quả tập trung, sản lượng đạt 21.600 tấn/năm; trong đó diện tích quả rải vụ, trái vụ trên địa bàn huyện có khoảng 600 ha, chiếm tỷ lệ 40%. – Trên 70% diện tích cây ăn quả được cấp có thẩm quyền công nhận áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) áp dụng các tiêu chuẩn khác trong sản xuất nông nghiệp (GlobalGAP, ORGANIC…), được cấp mã số vùng trồng. |