Thời gian qua, các giải pháp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh như đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ vốn, kiến thức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cùng các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đã góp phần từng bước phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Ngoài chính sách chung của tỉnh, các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực… đã ban hành thêm các chính sách khuyến khích của địa phương nhằm khai thác, phát huy các lợi thế tại địa bàn như hỗ trợ trồng cây vụ đông, cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, dồn điền, đổi thửa và xây dựng nông thôn mới (NTM)… Khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã từng bước gia tăng sức thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Gia công đế và mũi giày dép tại Công ty TNHH Nice Power (Giao Thủy). |
Mặc dù được đánh giá còn gặp nhiều khó khăn, rủi ro nhưng nông nghiệp của tỉnh cũng đã từng bước thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc của hơn 100 nghìn lao động. Kinh tế phát triển đa dạng đã giúp tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và làm thay đổi cơ cấu thu nhập của hộ dân nông thôn. Toàn tỉnh đã có 2.974 cơ sở, doanh nghiệp chuyên sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản. Trong đó, đáng kể 33 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu cho các nông sản hàng hoá chủ lực của tỉnh với sự tham gia của doanh nghiệp như: Chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu gạo Nam Định của Công ty TNHH Toản Xuân và Công ty TNHH Cường Tân; chuỗi liên kết sản xuất chế biến nông sản sấy của Công ty TNHH Minh Dương; chuỗi liên kết chế biến hải sản sau thu hoạch của Công ty TNHH một thành viên Hải sản Hùng Vương; chuỗi chăn nuôi tiêu thụ lợn sữa, lợn choai của Công ty TNHH Công Danh, chuỗi sản xuất chế biến, tiêu thụ dược liệu của các công ty dược trên địa bàn tỉnh; chuỗi sản xuất, chế biến ngao của Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam… Gần 20 nghìn hộ sản xuất, kinh doanh đã không ngừng cải thiện chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện thương hiệu, nâng tầm sản phẩm đạt các chuẩn chất lượng cao, như là quy chuẩn của Chương trình OCOP… nâng cao hiệu quả hoạt động của 142 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh, tạo việc làm thường xuyên cho 130 nghìn lao động. Cùng với các nghề truyền thống, có sẵn ở địa phương, các doanh nghiệp còn du nhập và phát triển một số nghề mới như: may công nghiệp, mây tre đan, tranh thêu, mộc mỹ nghệ… góp phần tạo thêm nhiều sinh kế mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn theo hướng giảm lao động nông nghiệp, tăng lao động phi nông nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Do sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thị trường, cùng với năng suất lao động thấp so với công nghiệp, dịch vụ nên chưa hấp dẫn với các nhà đầu tư. Vì vậy, tổng số doanh nghiệp và tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn, kinh tế nông nghiệp chưa thực sự phát triển bền vững. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ tại địa bàn vùng nông thôn có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ, còn thiếu vốn, hạn chế về công nghệ, sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu…
Để nâng cao hiệu quả huy động vốn doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thời gian tới tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung thực hiện các nhóm giải pháp: Tiếp tục cải thiện môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh tại nông thôn; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về vốn cho sản xuất nông nghiệp nông thôn; thúc đẩy phát triển toàn diện, đồng bộ kinh tế nông thôn với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ hợp lý dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo. Trong đó, cùng với các chính sách của Trung ương, tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và ban hành một số cơ chế chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh theo hướng chú trọng khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn; hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số; tạo thuận lợi nhất để phát triển đa dạng các loại hình doanh nghiệp, đầu tư vào phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, khuyến khích các dự án đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn.
Để tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp, tỉnh chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng trọng điểm đối với địa bàn nông thôn; tăng cường mở rộng mạng lưới (phòng giao dịch, ATM) về địa bàn nông thôn; mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng. Ưu tiên cân đối thêm vốn cho những nơi có sản xuất hàng hóa xuất khẩu thu ngoại tệ; đồng thời tiếp tục cải cách, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp và trình độ của người dân khu vực nông thôn.
Các địa phương quyết liệt đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, tổ chức lại sản xuất. Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản; phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp. Chú trọng thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng; nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, góp phần đẩy mạnh phát triển sản phẩm hàng hoá xuất khẩu chủ lực, có tiềm năng lợi thế cạnh tranh của tỉnh; củng cố chất lượng, hiệu quả hoạt động của làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề mới, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sản xuất trong các làng nghề di chuyển vào cụm công nghiệp để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, đi vào chiều sâu./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy