Với lợi thế khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, 20 năm qua, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đã trồng thành công nhiều loài cây ăn quả có giá trị cao. Tiêu biểu như sầu riêng, mít nghệ, chôm chôm, măng cụt. Gần 10 năm qua, người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi từ những cây trồng hiệu quả thấp, vườn tạp sang chuyên canh các loài cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao. Năm 2024, toàn huyện có hơn 3.600 héc ta cây ăn quả, sản lượng dự kiến hơn 22 ngàn tấn. Riêng diện tích sầu riêng chiếm hơn 70% tổng diện tích cây ăn quả, sản lượng 17 ngàn tấn, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng.
Nhiều nhà vườn trên địa bàn huyện đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP với hơn 350 héc ta; có 15 mã số vùng trồng sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với tổng diện tích 430 héc ta. Sầu riêng Khánh Sơn được người tiêu dùng ưa chuộng vì cơm vàng, hạt lép, vỏ mỏng, tỷ lệ cơm cao. Ông Nguyễn Duy Khánh, ở thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đánh giá: “Sầu riêng Khánh Sơn có hương vị ổn định, thơm. Sản phẩm của vùng miền, mình ưu tiên ủng hộ. Thấy cơm nhiều, ngon hơn những sầu riêng khác. Cơm vàng, dày hơn, hạt lép, khi ăn có vị béo. Quan trọng là chất lượng ngon hơn sầu riêng khác”.
Huyện Khánh Sơn có hơn 70% dân số là đồng bào dân tộc Raglay bản địa. Đồng bào Raglay trồng hàng trăm héc ta chuối trên các sườn đồi. Khí hậu ôn hòa, quả chuối Khánh Sơn vừa đẹp, vừa thơm ngon. Dịp Tết, chuối Khánh Sơn được thương lái gom mua vận chuyển đi tiêu thụ tại nhiều địa phương trong cả nước. Gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tìm lên Khánh Sơn mua chuối đưa về chế biến thành các sản phẩm như chuối sấy, mứt chuối, mật chuối, dầu chuối, sản phẩm gia dụng…
Anh Trần Văn Tùng, chủ cơ sở chế biến chất tẩy rửa hữu cơ từ chuối ở phường Vĩnh Hòa, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Bà con trồng cây chuối trên đồi, sinh trưởng tự nhiên, rất sạch và hữu cơ. Chuối chín được chúng tôi thu mua, xay nhuyễn, ủ sinh ezim. Từ đó tạo ra những ezim lợi khuẩn, kết hợp tinh dầu làm chất tẩy rửa. Hoàn toàn từ tự nhiên, phân hủy chất bẩn nhanh hơn, an toàn cho người sử dụng, nước thải có thể tưới cây, tưới rau được”.
Với lợi thế đất đai, khí hậu phú hợp cho phát triển nông nghiệp, huyện Khánh Sơn đã tập trung thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, giúp đỡ người dân thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường. Huyện đang kêu gọi các nhà đầu tư đến địa phương để xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến nông sản, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã tập trung nguồn lực từ các nguồn vốn Trung ương, của tỉnh để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phá thế độc đạo, tháo gỡ điểm nghẽn lâu nay ở huyện miền núi Khánh Sơn. Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh 656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận đang được triển khai với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng sẽ tạo động lực cho Khánh Sơn phát triển nhanh.
Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, địa phương đã xác định 17 dự án trọng điểm để mời gọi các nhà đầu tư. Trong số này có 2 dự án Cụm công nghiệp tại xã Sơn Bình và xã Ba Cụm Bắc có tổng diện tích hơn 20 héc ta. Tại đây, địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến nông sản gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu.
Theo ông Đinh Văn Dũng, địa phương sẽ nỗ lực kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. “Trên diện tích của huyện, chúng tôi sẽ phân bổ các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp điều kiện đất đai, gắn với các vùng nguyên liệu. Có 2 cụm công nghiệp gắn với chế biến sau thu hoạch, đáp ứng được nguyện vọng và phát triển trong tương lai. 7.334 héc ta diện tích đất trồng cây giá trị kinh tế cao cũng đã được quy hoạch cây ăn quả”.- Ông Đinh Văn Dũng cho biết.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/thu-hut-dau-tu-vao-mien-nui-khanh-hoa-post1132063.vov