TTH – Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư năm 2023 sẽ được điều chỉnh hướng vào các lĩnh vực trọng tâm, các lĩnh vực mũi nhọn có lợi thế góp phần nâng cao nguồn thu của tỉnh.
Xúc tiến đầu tư thông qua các hội nghị quốc tế
Thích ứng và linh hoạt
Xúc tiến, kêu gọi đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tiếp cận và thu hút thành công nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư và thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế đất nước còn khó khăn, sự phát triển và cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các địa phương và khu vực buộc Thừa Thiên Huế phải liên tục đổi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Và coi đây là bước đột phá quan trọng nhằm thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài, tạo đà cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Thực tế trong 3 năm 2020-2022, hoạt động xúc tiến đầu tư trên địa bàn đã có những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh của tình hình thế giới, trong nước. Điển hình như năm 2020, 2021 các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư được thúc đẩy theo hướng tại chỗ, xúc tiến đầu tư trực tuyến. Tỉnh cũng chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu xúc tiến đầu tư online để các nhà đầu tư có thể tìm hiểu đầu tư từ xa chỉ bằng cái kích chuột. Công tác hỗ trợ xúc tiến đầu tư, hỗ trợ đầu tư được thực hiện nghiêm túc, các trình tự thủ tục trong phạm vi theo dõi đều được xử lý nhanh chóng, kịp thời trên môi trường mạng nhằm tháo gỡ phần nào các khó khăn của doanh nghiệp.
Dù chỉ dừng lại ở những cuộc họp, các chương trình xúc tiến đầu tư trực tuyến nhưng những sự kiện mang dấu ấn quan trọng vẫn được tổ chức thường xuyên và mang những dấu ấn rất riêng. Trong đó, việc UBND tỉnh và Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam (Aeon Mall) tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư Trung tâm Thương mại Aeon Mall tại Huế dưới hình thức trực tuyến kết nối giữa trụ sở UBND tỉnh, trụ sở chính Aeon Mall tổ chức vào tháng 2/2021 là sự kiện quan trọng chứng minh dù trong hoàn cảnh nào các hoạt động xúc tiến đầu tư vẫn diễn ra, bất chấp những rào cản không gian, dịch bệnh…
Và ngay khi bước sang năm 2022, khi kinh tế mở cửa trở lại các hoạt động xúc tiến đầu tư chuyển từ trực tuyến sang trực tiếp. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá điểm đến trực tiếp được tổ chức trở lại với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn đến từ các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đó là lý do dù có những khó khăn nhất định trong công tác xúc tiến đầu tư, song Thừa Thiên Huế vẫn là một trong những địa phương được đánh giá cao trong hoạt động xúc tiến đầu tư.
Và con số 34 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 21.563 tỷ đồng được chấp thuận chủ trương đầu tư mới trong năm 2022 phần nào chứng minh được hiệu quả cho sự linh hoạt trong hoạt động xúc tiến đầu tư.
Xúc tiến đầu tư thông qua các hội nghị quốc tế
Hướng vào lĩnh vực trọng tâm
Đó là tiền đề và cơ sở cho thực hiện kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2023, bởi đây được xem là năm bản lề thực hiện các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội sau quá trình chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời, Thừa Thiên Huế phải tập trung nguồn lực để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 83 của Chính phủ. Do đó, chương trình xúc tiến đầu tư phải gắn liền với chương trình phục hồi kinh tế – xã hội và định hướng xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, so với các năm trước, kế hoạch thu hút đầu tư năm 2023 có những điều chỉnh hướng vào các lĩnh vực trọng tâm hơn trên cơ sở xác định lĩnh vực mũi nhọn, lợi thế của tỉnh, ngành góp phần nâng cao nguồn thu của tỉnh.
Cụ thể, tỉnh sẽ đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án công nghệ cao, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0. Kêu gọi đầu tư dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái, dự án khu vui chơi, giải trí, khu trưng bày và biểu diễn văn hóa Huế kết hợp khu mua sắm, góp phần làm phong phú các dịch vụ du lịch, tăng thời gian lưu trú của du khách khi đến Huế. Tỉnh sẽ đẩy mạnh nhóm dự án thúc đẩy ngành kinh tế ban đêm. Kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh làm cơ sở thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, thu hút lao động từ các địa phương và nước ngoài đến sinh sống và làm việc tại Thừa Thiên Huế. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư dự án logistics và cảng biển để tăng tính chủ động trong việc lưu thông hàng hóa và góp phần hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, để đảm bảo chuyển đổi phát triển năng lượng xanh, sạch nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050, tỉnh cũng ưu tiên kêu gọi đầu tư các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như: điện gió, điện mặt trời, điện khí… để phát triển các nguồn năng lượng sạch, tái tạo hướng đến phát triển đô thị xanh, không gian khu công nghiệp xanh và bền vững. Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các dự án ngành nông nghiệp với mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản. Việc cân đối cung cầu các dự án nhà ở để kêu gọi đầu tư các dự án khu đô thị, khu dân cư, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của nhiều tầng lớp nhân dân, người dân lao động cũng được định hướng rõ ràng hơn.
Trên cơ sở đó, tỉnh cũng đề ra những chỉ tiêu cụ thể với từng địa bàn, khu vực nhằm tạo động lực trong công tác xúc tiến đầu tư. Đối với địa bàn ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tỉnh đặt mục tiêu thu hút được 30-35 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 15.000 – 16.000 tỷ đồng. Với địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp phấn đấu thu hút 13-15 dự án với vốn đầu tư đăng ký khoảng 5.000-6.000 tỷ đồng; vốn đầu tư thực hiện của các dự án khoảng 4.000 tỷ đồng; nâng tỷ lệ lấp đầy các KCN Phú Bài giai đoạn III và IV khoảng 25%, KCN Phong Điền bình quân đạt khoảng 35%, các KCN còn lại trên 30%.
Đây là mục tiêu không hề nhỏ, để đạt được kết quả tối ưu trong công tác xúc tiến đầu tư, các ngành phải phối hợp thực hiện phân công công việc theo chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023 được UBND tỉnh ban hành, xây dựng kế hoạch thực hiện, các chương trình, hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư. Chuẩn bị các thông tin cụ thể phục vụ cho công tác xúc tiến đầu tư. Gắn liền công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, đẩy mạnh quá trình phối hợp giữa các ngành để đẩy nhanh quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư.
Bài, ảnh: Hoàng Loan