08:03, 06/04/2023
Những năm gần đây, Đắk Lắk đã có nhiều đổi mới trong cách tiếp cận các nhà đầu tư, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên, theo đánh giá, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng cũng như tiềm năng của tỉnh.
Mở cửa đón nhà đầu tư
Không chỉ dừng lại ở hoạt động tham quan, học hỏi các quốc gia có tiềm năng mà thời gian qua, tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương khác tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến, hợp tác nhằm tạo cơ chế khuyến khích và cơ hội đầu tư. Tỉnh cũng tổ chức tiếp đón, làm việc với nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, nhà đầu tư đến tìm hiểu và lựa chọn cơ hội đầu tư tại tỉnh. Điển hình như trong năm 2022, nhiều đoàn công tác của các tập đoàn lớn đã được đón tiếp, giới thiệu cơ hội đầu tư. Tỉnh cũng đã kịp thời giải đáp thắc mắc và tháo gỡ khó khăn trong các hoạt động đầu tư.
Công ty TNHH Cà phê Ngon (huyện Cư Kuin) được nhà đầu tư Ấn Độ xây dựng. (Trong ảnh: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Cà phê Ngon). |
Tính đến nay, Đắk Lắk đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 22 dự án (ngoài khu công nghiệp), với tổng vốn đăng ký là hơn 595 triệu USD do các nhà đầu tư từ 8 quốc gia: Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Mỹ và Hà Lan thực hiện. Trong đó có 8 dự án trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất, với tổng số vốn đăng ký hơn 43 triệu USD; 6 dự án trong lĩnh vực điện gió với vốn đầu tư hơn 430 triệu USD; 6 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất, với tổng số vốn đăng ký gần 117 triệu USD; 1 dự án lĩnh vực môi trường, với vốn đầu tư 4,4 triệu USD và 1 dự án lĩnh vực giáo dục với vốn đầu tư 0,1 triệu USD.
Trong năm 2023, tỉnh Đắk Lắk tập trung các nguồn lực để kêu gọi nguồn vốn đầu tư hai dự án thuộc Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, gồm: Nhà máy chế biến nông sản, với tổng vốn đầu tư 7 triệu USD; Nhà máy chế tạo cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp, với tổng vốn đầu tư 22 triệu USD và các dự án liên quan khác.
|
Riêng trong năm 2022, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 6,2 triệu USD, bao gồm: Dự án nhà máy sản xuất nước tinh khiết, tổng vốn đăng ký 0,65 triệu USD và Nhà máy sản xuất lông mi nhân tạo KVD, tổng vốn đăng ký 5,5 triệu USD. Đồng thời, tỉnh đã tiếp nhận, điều chỉnh 10 hồ sơ điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 8 dự án thay đổi thời gian thực hiện, ưu đãi đầu tư, cơ cấu vốn, mục tiêu, quy mô, thông tin nhà đầu tư; 2 dự án tăng vốn đăng ký đầu tư hơn 23,3 triệu USD. Số vốn FDI thực hiện năm 2022 là 106,9 triệu USD, doanh thu thuần đạt được 160,8 triệu USD. Các dự án FDI đã góp phần giải quyết việc làm cho 1.067 lao động, nộp ngân sách nhà nước 4,1 triệu USD.
Vẫn “khó” và “vướng”
Tuy đã có nhiều nỗ lực, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, kết quả thu hút đầu tư FDI những năm gần đây của tỉnh chưa đạt được như kỳ vọng. Số dự án, nguồn vốn FDI mà tỉnh thu hút được những năm qua còn hạn chế, dòng vốn đổ vào tỉnh chưa lớn. Điển hình như năm 2022, Đắk Lắk chỉ thu hút được 2 dự án FDI trong khi nhiều địa phương khác trên cả nước thu hút đầu tư FDI đạt được sự “bứt tốc” về số lượng và dòng vốn.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, một trong những vướng mắc trở thành nguyên nhân “đáng kể” khiến thu hút nguồn vốn FDI của tỉnh chưa đạt mong muốn là những hạn chế về mặt bằng “sạch” với quy mô lớn để đón các dự án có nhu cầu đầu tư, sản xuất ngay. Bởi thời gian qua có một số dự án đã được giao đất, thuê đất, tuy nhiên việc triển khai đầu tư xây dựng còn chậm do vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, đặc biệt các dự án sử dụng đất nông, lâm nghiệp có diện tích lớn. Thêm một nguyên nhân khác là do số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu về môi trường đầu tư và thực hiện đầu tư còn thấp so với tiềm năng của tỉnh; chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư “mạnh” về tài chính và công nghệ, có tiềm năng. Bên cạnh đó, những dự án đầu tư từ các nước phát triển, tập đoàn lớn vào địa bàn tỉnh còn khiêm tốn. Nhà đầu tư nước ngoài là những doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ cao.
Cụm nhà máy điện gió trên địa bàn huyện Krông Búk do nhà đầu tư đến từ Singapore xây dựng. |
Mặt khác, Đắk Lắk là một tỉnh miền núi với diện tích rộng lớn, địa hình phức tạp; kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ; đường giao thông xuống cấp, hư hỏng, khó khăn trong việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Điều này làm giảm tính kết nối giữa vùng nguyên liệu với nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến, gia tăng giá thành, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Từ đó ảnh hưởng đến công tác kêu gọi đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Một nguyên nhân quan trọng khác là hiện nay năng lực của cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, chuyên sâu trong việc tổ chức thực hiện chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư.
Việc triển khai các thủ tục giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đấu giá còn chậm khiến các dự án gặp khó khăn trong quá trình triển khai cũng là cái “vướng” lớn khiến thu hút FDI chưa thể “bứt phá”. Đối với các dự án điện gió, đến nay Chính phủ chưa ban hành cơ chế giá mới nên nhà đầu tư chưa thể đàm phán giá mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để cải thiện tình hình, gia tăng các lợi thế thu hút nguồn vốn FDI, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh đang nỗ lực là tập trung nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo nhiều quỹ đất “sạch” để thu hút đầu tư. Ngoài ra, việc tạo cơ chế thông thoáng và các chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư cũng đang được tập trung triển khai.
Khả Lê