Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Xây dựng giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế
Tại Chỉ thị này, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn làm nhà cung ứng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong một số ngành, lĩnh vực.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ khác ngoài thuế, không trái với quy định và cam kết quốc tế trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên, khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu cũng như các nhà đầu tư mới, bảo đảm ứng xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Đối với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ giao nghiên cứu chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhân tài người Việt Nam tại nước ngoài.
Xây dựng cơ chế phối hợp với các Tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước và nước ngoài để đào tạo theo đơn đặt hàng; Khẩn trương sửa đổi, bổ sung Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020, của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo thủ tục rút gọn hoàn thành trong tháng 6 năm 2023, trên tinh thần thông thoáng, thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn tình hình Việt Nam, đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, cũng như nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam thời gian tới.
Xây dựng chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ trong tháng 6 năm 2023 phải trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng theo hướng đơn giản hóa yêu cầu, thủ tục nhập khẩu dây chuyền sản xuất, trang thiết bị đã qua sử dụng vào Việt Nam phục vụ cho hoạt động dịch chuyển, bảo đảm máy móc, công nghệ nhập khẩu tiên tiến, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư; rà soát yêu cầu, trình tự, thủ tục để đảm bảo không tiếp nhận các công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu xây dựng chính sách khuyến khích hợp tác, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng yêu cầu trong Quý III năm 2023 nghiên cứu, đề xuất khung chính sách thử nghiệm và giải pháp đột phá để thu hút các tập đoàn công nghệ số (techfirm) hàng đầu thế giới vào Việt Nam.
Rà soát, xây dựng và đề xuất ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách về Khu công nghệ thông tin tập trung nhằm hình thành các Khu công nghiệp thông tin tập trung đạt tiêu chuẩn quốc tế; thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới vào đầu tư, nghiên cứu và phát triển.
Xây dựng hoặc đề xuất ban hành cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam nghiên cứu và phát triển các phần mềm lõi, công nghệ nguồn. Tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tạo thuận lợi để thu hút ĐTNN: phủ sóng mạng 5G, phát triển mạng lưới Internet cáp quang băng thông rộng tốc độ cao, siêu cao tới các khu công nghiệp, hạ tầng cáp quang Gigabit kết nối giữa các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước…
Xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính rà soát những bất cập, chưa đồng bộ của quy định pháp luật về thuế với các quy định đối tượng hưởng ưu đãi thuế của pháp luật chuyên ngành để đề xuất, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định pháp luật về thuế bảo đảm đồng bộ với pháp luật khác có liên quan trong Quý III năm 2023;
Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành và xây dựng lộ trình áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn của Việt Nam trình vào Kỳ họp thứ 6 Quốc hội năm 2023;
Trong Quý III năm 2023 trình Chính phủ sửa đổi các quy định về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho các chuyên gia nước ngoài, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, nhân lực chất lượng cao trong nước để mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam.
Khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp do khâu thực thi
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư hiện hữu để xác định những khó khăn hiện nay, đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật. Khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp do khâu thực thi.
Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, xây dựng, thuế,… trong quá trình thẩm định và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN), tránh phát sinh khiếu kiện, tranh chấp trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, tổ chức thẩm định và đánh giá cẩn trọng về công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, môi trường, suất đầu tư,… đối với các dự án ĐTNN trong các lĩnh vực mà nhà đầu tư có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ tại Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế.
Hàng năm Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ trì ít nhất 02 cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, thành phố, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và xử lý ngay các vướng mắc thuộc thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Ủy nhân dân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động tiếp cận, trao đổi với các Tập đoàn lớn về các gói ưu đãi, cơ chế hỗ trợ đầu tư trong khuôn khổ các hoạt động đối ngoại cấp cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động tìm kiếm, chọn lọc, tiếp cận, trao đổi, quảng bá cơ hội, vận động các Tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào Việt Nam, hoặc thông qua các kênh có tầm ảnh hưởng đến người ra quyết định đầu tư để thu hút đầu tư vào Việt Nam.
Trên cơ sở bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về việc xây dựng các gói ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (hỗ trợ tiền mặt – cash grant, đào tạo lao động, hỗ trợ phát triển hạ tầng, biện pháp ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu…), các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh, bổ sung luật pháp, chính sách có tính cạnh tranh hơn nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn có tính động lực, lan tỏa trong làn sóng đầu tư mới.
Tăng cường nắm bắt các xu hướng đầu tư quốc tế, xu hướng dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng; các tác động đối với Việt Nam để đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh; đồng thời, tham mưu các chủ trương phù hợp với sáng kiến, khuôn khổ luật lệ mới nhằm thu hút dòng vốn ĐTNN chất lượng cao trong tình hình mới, đặc biệt là các lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng phát triển như công nghệ số, bán dẫn, vi mạch, lắp ráp sản xuất phần cứng điện tử, sản xuất phần mềm…