Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bùng nổ trong năm 2024, đạt trên 17 triệu lượt, phục hồi gần hoàn toàn như trước dịch Covid-19. Tuy nhiên, để tăng tốc và cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, cần có chính sách mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Lời tòa soạn: Năm 2024 chứng kiến nhiều biến động của tình hình kinh tế chính trị thế giới. Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam đã “vượt ngàn chông gai” để về đích với những con số ấn tượng về tăng trưởng, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài,… Cùng với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân… nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tạo đà vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới.
Cùng VietNamNet điểm lại những sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2024 với niềm tin mới, sức sống mới cho chặng đường tiếp theo.
Bài 1 – Kinh tế 2024: Nhiều kỷ lục, ‘đại bàng’ tỷ USD dọn ổ dù thận trọng bao trùm
Bài 2- Vượt cú sốc, thế mạnh Việt bội thu, loạt kỷ lục tỷ USD
Bài 3: Không có rủi ro đáng kể, sàn 200 tỷ USD của Việt Nam bứt phá năm tới?
Điểm sáng lan tỏa
Số liệu từ Cục Du lịch quốc gia (Bộ VH-TT&DL) cho thấy, 11 tháng năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 16 triệu lượt, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm 2024, Việt Nam đón khoảng 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế, tăng hơn 35% so với 2023 và bằng 94-97% của năm 2019. Khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch năm 2024 ước đạt khoảng 840.000 tỷ đồng.
Trong đó, thị trường châu Á đóng góp gần 80% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Riêng 4 thị trường lớn ở Đông Bắc Á gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản đóng góp gần 60%.
Tính ra, năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 5 triệu lượt (từ 12,6 triệu lượt năm 2023 lên 17,5 triệu lượt).
Trao đổi với PV VietNamNet, chuyên gia Nguyễn Đức Chí, nguyên Phó trưởng Phòng Lữ hành Sở Du lịch TPHCM, lý giải, đó là nhờ chính sách visa thông thoáng, kinh tế thế giới cũng như trong nước hồi phục, nhu cầu đi du lịch tăng.
Chính sách thông thoáng như miễn visa, tăng thời gian tạm trú lên đến 45 ngày áp dụng từ 15/8/2023, đã giúp thị trường khách đến từ châu Âu tăng trưởng khả quan, điển hình như Anh tăng 20,4%, Pháp 30,5%, Đức 24,1%… hay Italy tăng 57,4%, Tây Ban Nha 23,8%, Đan Mạch 20,2%, Na Uy 17,8%, Thụy Điển 25,2%…
Ông Nguyễn Châu Á, Giám đốc Công ty Du lịch Me chua đất (Oxalis), nhìn nhận, du lịch Việt Nam cơ bản phục hồi bằng năm 2019, có những thị trường còn tăng trưởng cao hơn. Ngoài chính sách visa cởi mở, Việt Nam cũng đẩy mạnh quảng bá du lịch để tiếp cận đến khách du lịch thông qua các sự kiện âm nhạc, điện ảnh, và quảng bá trực tuyến… Những hoạt động này phần nào đã tiếp cận trực tiếp đến khách quốc tế, tạo động lực để họ quyết định đi du lịch Việt Nam.
CEO của Oxalis phân tích, trong tổng số 17 triệu lượt khách đến, riêng thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm 8 triệu lượt, khách Âu – Mỹ khoảng 5 triệu lượt, các thị trường khác khoảng 4 triệu.
Nhìn vào tương quan thị trường thì thấy rõ, du lịch Việt Nam khá đa dạng về thị trường khách, điều này là rất tốt vì đã không quá phụ thuộc vào một thị trường.
Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch và thi hành Luật Du lịch 2017, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hồ An Phong đánh giá du lịch đang là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của đất nước. Cùng với sự phục hồi “thần kỳ” sau khủng hoảng dịch Covid-19, những năm qua, du lịch Việt Nam liên tục đạt được những giải thưởng quốc tế quan trọng. Các địa phương có thế mạnh về du lịch cũng liên tiếp đón nhận những tin vui.
Mở khóa để tăng tốc
Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.
Theo Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy, 2025 được xác định là năm du lịch Việt Nam tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Mục tiêu đặt ra cho ngành du lịch là đến năm 2025 phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch Covid-19. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu. Năm tới, du lịch phấn đấu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trực tiếp 6-8% trong GDP. Ngành du lịch sẽ tạo 5,5 triệu việc làm.
Để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia, du lịch Việt Nam cần vượt qua nhiều điểm nghẽn và có những chính sách quyết liệt, đột phá hơn nữa.
Liên quan đến chính sách visa, ông Nguyễn Đức Chí cho rằng đã có tiến bộ rõ rệt nhưng mới chỉ “mở he hé”, nên không tạo được đột phá. Trong khi đó, đối thủ của du lịch Việt Nam là Thái Lan đã miễn visa 2-3 lần, lại miễn hoàn toàn cho các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, mở rộng thị trường được miễn cộng với việc liên tục tung ra các chính sách ưu đãi… nên khách tăng trưởng vượt trội.
Chẳng hạn, nhờ các biện pháp miễn thị thực và cho phép lưu trú lên tới 60 ngày, có hiệu lực từ 15/7, cũng như hợp tác với các hãng hàng không mở đường bay, Thái Lan đã đón được 2 triệu khách Ấn Độ trong năm nay (gấp khoảng 4 lần Việt Nam) đưa Ấn Độ vào top 5 quốc gia có lượng khách đến nhiều nhất.
Theo tờ Nation, năm nay, tổng lượng khách quốc tế đến Thái Lan dự kiến đạt 35 triệu lượt, mang lại 2,9 nghìn tỷ baht (85,3 tỷ USD) cho nước này. Quốc gia “xứ sở chùa Vàng” đặt mục tiêu đón 40 triệu du khách nước ngoài trong năm tới.
Trong khi đó, ông Chí nhận xét, ngoài chính sách thị thực thì cơ sở hạ tầng của Việt Nam còn nhiều hạn chế khi các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài,… đều quá tải. Khách đến phải xếp hàng chờ cả tiếng để làm thủ tục. Việc mở đường bay trực tiếp đến các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa,… giúp lượng khách san đều ra các vùng miền, nhưng với các “hub” (điểm đến tích hợp đầy đủ các yếu tố nghỉ dưỡng – du lịch – giải trí phức hợp – PV) thì vẫn tắc nghẽn.
“Ẩm thực, con người, cảnh quan thiên nhiên vẫn là những lợi thế của du lịch Việt Nam, thu hút khách quốc tế. Việc cần thiết hiện nay là gỡ rào cản về visa, hàng không và cơ sở hạ tầng – cần sớm mở hai khóa này. Khách có nhu cầu đến, doanh nghiệp tự khắc đầu tư đáp ứng hạ tầng, nhưng quan trọng là mở cánh cửa visa đón khách”, ông Chí nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Châu Á, điểm nghẽn về visa chỉ là một yếu tố nhỏ chứ không phải nhân tố quyết định cho việc khách có đến du lịch Việt Nam hay không. Trên thực tế, chính sách visa của chúng ta đã thông thoáng và thủ tục cũng dễ dàng so với trước, nhưng lượng khách quốc tế vào Việt Nam cũng không ào ạt như kỳ vọng.
Do đó, ông Châu Á cho rằng điều cấp thiết là cần có sản phẩm du lịch. Chúng ta có nhiều sản phẩm du lịch cho thị trường khách Á đông như Bà Nà Hills, ở Phú Quốc, Sapa,… nhưng lại có rất ít sản phẩm dành cho khách phương Tây và vẫn như nhiều năm trước, rất ít thay đổi, ngoại trừ các sản phẩm mạo hiểm ở Quảng Bình và các cung đường ở Hà Giang…
Ngoài ra, để phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững, cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch quốc gia, trong đó đánh giá thị trường khách, quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch cho từng thị trường mục tiêu sau đó mới xây dựng các chiến lược quảng bá điểm đến, sản phẩm du lịch.
Khách quốc tế đến Việt Nam tăng, nhưng người Trung, Nhật chưa ‘lấy lại phong độ’
Gần 9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, khách Trung Quốc chiếm hơn 2 triệu
Đón đoàn làm phim ‘bom tấn’: Hiệu quả tức thì, khách du lịch tăng 200%
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thu-hon-800-000-ty-du-lich-viet-nam-can-dot-pha-quyet-liet-nhin-tu-doi-thu-2355042.html