Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tăng cường áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp nợ thuế bị cưỡng chế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến trường hợp lãnh đạo một số doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh do nợ thuế với số tiền không quá lớn.
Không ít người bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế với số tiền không quá lớn |
Không phân biệt nợ thuế ít hay nhiều
Để đảm bảo tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách nhà nước đến ngày 31/12 không vượt quá 8%; tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5% theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với các cá nhân, người đại diện doanh nghiệp đang bị cưỡng chế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Trước đó, Bộ Tài chính có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước đề nghị tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp nợ thuế bị cưỡng chế.
Thực tế, biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) đã có 5 thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với một số đại diện pháp luật của các doanh nghiệp đang nợ thuế. Trước đó 1 tháng qua, các chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đã ra quyết định liên quan đến việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 12 cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp do nợ thuế.
Tương tự, theo thông báo của Chi cục Thuế khu vực Biên Hòa – Vĩnh Cửu, thuộc Cục Thuế Đồng Nai, cơ quan đã có thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với 64 cá nhân là đại diện pháp luật của các doanh nghiệp vi phạm nợ thuế trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Đây là các doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân kể từ khi có thông báo đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.
Đáng chú ý, trong số những trường hợp bị tạm hoãn xuất nhập cảnh có những cá nhân còn nợ thuế với số tiền dưới 1.000.000 đồng. Đơn cử như trường hợp của ông Lê Huy Bình, Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Hải Đăng bị tạm hoãn xuất cảnh do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp 977.000 đồng tiền thuế. Trước đó, vào tháng 2, một giám đốc doanh nghiệp khác tại TP. Hồ Chí Minh cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế hơn 1.000.000 đồng tiền thuế.
Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, các quy định hiện nay không quy định cụ thể số tiền nợ thuế bị cấm xuất cảnh. Việc này dẫn tới nhiều trường hợp người dân nợ thuế chỉ 1-2 triệu đồng nhưng không hề hay biết cho tới khi ra sân bay làm thủ tục xuất cảnh. Những trường hợp nợ số tiền thuế rất nhỏ nhưng cũng bị cho vào danh sách tạm hoãn xuất cảnh đã ảnh hưởng không nhỏ đối với các doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng đã là quy định pháp luật thì dù nợ thuế vài trăm ngàn đồng hay hàng tỷ đồng, đều phải áp dụng các quy định như nhau. Việc nợ thuế số tiền gần 1 triệu đồng và bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh như trường hợp trên không phải là cá biệt.
Nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, mục đích cuối cùng của các chế tài là làm sao thu được số tiền nợ về cho ngân sách nhà nước. Do đó, các quy định hiện nay cần phải được thực thi trên cơ sở tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, không nên cứng nhắc, gây tổn thất cho họ.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện số lượng người nộp thuế nợ thuế dưới 1 triệu đồng rất lớn, đa số lại kéo dài. Để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, biện pháp tạm hoãn xuất cảnh là một biện pháp cứng rắn cũng như cảnh báo cho người nộp thuế đang nợ thuế để đảm bảo việc hoàn thành nghĩa vụ thuế vào ngân sách nhà nước.
Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, Cơ quan Thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế trước khi thực hiện gửi “Thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh và người nộp thuế” để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh. Người nộp thuế có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh.
Trước một số ý kiến phản hồi trên, đại diện Bộ Tài chính khẳng định, Luật Quản lý thuế đã quy định hành lang pháp lý đối với việc nợ thuế. Theo đó, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp. Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế cũng quy định việc cho phép người nộp thuế nộp dần tiền thuế nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng. Như vậy, Cơ quan Thuế đã nhắc nhở để các trường hợp vô tình nợ thuế khẩn trương nộp thuế và cũng có phương án nộp dần cho doanh nghiệp khó khăn không nộp được hết nợ một lần.
Trường hợp cá nhân hoặc đại diện pháp luật thuộc diện tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế, nhưng sau đó đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, thì ngành Thuế và Hải quan sẽ gửi văn bản sang cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đề nghị thực hiện hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh. Chỉ đây vài ngày, Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam từ ngày 1/6 sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp hơn 21 tỷ đồng tiền thuế.
Để tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế kịp thời, đại diện một doanh nghiệp bày tỏ, mục đích cuối cùng của các biện pháp chế tài đối với doanh nghiệp nợ thuế là làm thế nào thu được số tiền nợ thuế về cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, biện pháp cưỡng chế tài khoản doanh nghiệp phải là ưu tiên hàng đầu. Còn về giải pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, cơ quan thuế cần làm cách nào đó để người thi hành quyết định biết được mình đang nợ thuế, đến thời hạn nào không thi hành sẽ bị cấm xuất cảnh. Việc thông báo nên thực hiện nhiều lần, chẳng hạn đến lần thứ 3 mà không thực hiện mới cấm xuất cảnh… để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối đầu với nhiều khó khăn cùng lúc như hiện nay.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/thu-hoi-no-thue-tren-co-so-tao-thuan-loi-cho-nguoi-dan-doanh-nghiep-152279.html