Những năm gần đây, Thái Nguyên có hàng nghìn ha đất nông nghiệp bị thu hồi để thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, vấn đề ổn định đời sống và tạo việc làm cho nông dân bị thu hồi đất còn tồn tại không ít bất cập. Làm thế nào để đảm bảo cuộc sống cho người dân sau thu hồi đất vẫn đang là một trong những bài toán khó, cần cấp thiết tìm lời giải?
Kỳ I: Loay hoay tìm kế sinh nhai
Việc thu hồi đất để xây dựng các khu, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh đã làm cho cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Từ đó tạo thêm nhiều việc làm mới, thu hút lao động vào làm việc tại các công ty, nhà máy, xí nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân gặp khó khăn trong chuyển đổi nghề nghiệp và đang loay hoay với cuộc sống mới.
Việc thu hồi đất đã tạo ra một khoảng trống nhất định về việc làm đối với không ít nông dân. Trong ảnh: Giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường vành đai V, đoạn qua xã Tân Đức (Phú Bình). |
Sau chuyện nông dân “giàu đột xuất”
Năm 2016, khi nhận được 3 tỷ đồng từ việc đền bù giải phóng mặt bằng và được bố trí 3 lô đất (với tổng diện tích 850m2) tại Khu tái định cư An Thái Bình, tổ dân phố Thái Bình, phường Đồng Tiến (TP. Phổ Yên), bà Đỗ Thị Nhung đã dành 2,5 tỷ đồng để xây dựng hai dãy nhà trọ 2 tầng với 48 phòng cho công nhân thuê. Tuy nhiên, việc kinh doanh dịch vụ nhà trọ chỉ thuận lợi trong tháng đầu, về sau số người thuê trọ thưa dần. Khoảng 4 năm gần đây, hai dãy phòng trọ gần như bỏ không. Cuộc sống khó khăn nên mới đây, bà Nhung phải bán 100m2 đất tại khu tái định cư để lấy tiền trả nợ và làm nhà cho con trai ra ở riêng.
Bà Nhung bộc bạch: Thời điểm ấy, khi thấy hàng xóm đua nhau vay tiền xây nhà trọ, lại sẵn có một khoản tiền lớn nên tôi làm theo mà không tính toán nhiều.
Tại xóm Trung 2, xã Điềm Thụy (Phú Bình), 80% số hộ trong xóm có diện tích đất ở và đất ruộng bị thu hồi để thực hiện các dự án. Ông Dương Văn Nhường, Trưởng xóm Trung, cho biết: Ngoài những hộ có ý thức phát triển kinh tế thì còn một bộ phận nhỏ người dân (khoảng 10 hộ – P.V) trước đây chỉ quen với công việc nhà nông, trình độ dân trí thấp nên chưa phát huy hiệu quả số tiền được đền bù.
Tìm hiểu thực tế tại một số huyện, thành phố có diện tích đất bị thu hồi nhiều, như: Phú Bình, TP. Phổ Yên, TP. Sông Công, chúng tôi gặp không ít trường hợp người dân “giàu đột xuất” nhờ có số tiền đền bù. Tuy nhiên, nhiều hộ đã chi phần lớn số tiền được đền bù cho việc xây dựng nhà cửa, chi tiêu sinh hoạt mà chưa chú trọng đầu tư sản xuất hay học nghề để chuyển đổi việc làm. Đặc biệt, không ít hộ sử dụng tiền đền bù không hợp lý, không tính toán kỹ lưỡng khi làm ăn nên đã rơi vào cảnh thiếu việc làm, thu nhập thấp, khiến cuộc sống bấp bênh…
Sau khi bị thu hồi đất, nhiều hộ dân chi phần lớn số tiền được đền bù cho việc xây dựng nhà cửa, chi tiêu sinh hoạt. Trong ảnh: Một góc Khu tái định cư Tân Tiến, xã Tân Quang (TP. Sông Công) |
Nông dân chưa mặn mà với học nghề
Tháng 2 vừa qua, sau khi nhận được số tiền 4 tỷ đồng từ việc đền bù, gia đình ông Mẫn Văn Tính, ở phường Đồng Tiến (TP. Phổ Yên) đã mua ngay chiếc xe ô tô trị giá 700 triệu đồng làm phương tiện đi lại. Số tiền còn lại ông gửi ngân hàng lấy tiền lãi hằng tháng.
Khi được hỏi tại sao không trích một khoản tiền cho con cái học nghề, ông Tính không ngần ngại chia sẻ: Nghĩ đến học đã thấy ngại nên chúng tôi chưa tính đến việc này. Hơn nữa, số tiền lãi hằng tháng hiện vẫn đủ để gia đình trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Khi nào số tiền này được dùng hết, tôi sẽ tính cách tìm kiếm việc làm.
Câu trả lời của ông Tính cũng là “đáp án” chúng tôi nhận được khi đặt câu hỏi tương tự với không ít hộ dân sau khi nhận tiền đền bù. Không ít người có tâm lý ỷ lại vào số tiền được đền bù hoặc muốn có một công việc làm ra tiền ngay để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, chứ ít khi nghĩ tới việc học nghề, đầu tư sản xuất, kinh doanh để có thu nhập lâu dài, ổn định.
Mặt khác, quá trình đô thị hóa những năm gần đây diễn ra nhanh chóng khiến nhiều người dân chưa kịp thích ứng với sự biến đổi này. Độ tuổi của một bộ phận người dân đã cao cũng là rào cản khiến việc học nghề cũng như khả năng thích ứng trước những thay đổi của thị trường lao động, việc làm còn hạn chế. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khi tuyển dụng lao động đều ưu tiên nhận người trẻ, có sức khỏe, trình độ.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan từ phía người dân, việc đào tạo nghề cho lao động sau thu hồi đất hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Việc khảo sát nhu cầu học nghề chưa sát với tình hình thực tế của địa phương, chủ yếu là dạy các nghề mà trung tâm dạy nghề có, chứ không phải nghề doanh nghiệp cần. Cùng với đó, cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dù đã được đầu tư song nhiều thiết bị đã cũ, lạc hậu, chưa theo kịp nhu cầu thị trường, nhất là với các nghề chất lượng cao, nghề mới. Vì thế, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay đang gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Thế Thụy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Phú Bình, thông tin: Bình quân mỗi năm, Trung tâm thu hút khoảng 150 học viên tham gia học nghề nông nghiệp, chủ yếu ở độ tuổi 45 đến ngoài 50 nên quá trình học không thường xuyên, việc tiếp nhận thông tin cũng hạn chế. Đặc biệt, trong 4-5 năm gần đây, nhóm nghề phi nông nghiệp mà Trung tâm được cấp phép đào tạo (gồm may mặc, tin học văn phòng, kỹ thuật gia công bàn ghế, hàn hơi và hàn inox) không thu hút được học viên. Bởi lẽ những nghề này không còn phù hợp với thực tế địa phương và cũng không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Minh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí chính xác Minh Hà, phường Cải Đan (TP. Sông Công): Những năm đầu mới thành lập (năm 2012), Công ty đã từng tuyển dụng lao động phổ thông là người địa phương vào làm việc, song phải đào tạo từ đầu rất mất thời gian. Hiện nay, chúng tôi ưu tiên tuyển dụng những lao động có trình độ, tay nghề nhằm đáp ứng yêu cầu công việc. |
Thực tế này dẫn đến việc dù các địa phương đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi nghề nghiệp, đề nghị các doanh nghiệp tuyển dụng lao động bị thu hồi đất sau khi xây dựng nhà máy, xí nghiệp nhưng do tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp nên người dân rất khó tìm được việc làm. Ngược lại, các doanh nghiệp dù muốn cũng khó tuyển dụng được lao động tại địa phương vì lực lượng này không đáp ứng được yêu cầu.
Từ thực tế cho thấy ở nhiều địa phương, việc thu hồi đất chưa gắn với kế hoạch cụ thể về hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; việc thông tin, tuyên truyền về kế hoạch, quy hoạch chuyển đổi đất chưa được thực hiện đầy đủ khiến người dân còn bị động. Đặc biệt, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các ngành chức năng trong việc nâng cao nhận thức và định hướng cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp sau khi bị thu hồi đất. Do đó, tình trạng dư thừa lao động do chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp đang là thực trạng đáng quan tâm…
Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh có trên 13.000ha đất bị thu hồi để thực hiện các công trình, dự án. Trong đó có trên 10.700ha đất nông nghiệp bị thu hồi với hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng.
|
(Còn nữa…)