Con gái yêu! Hơn bốn mươi năm sống xa nhà, xa quê, xa con, mỗi năm chỉ vài lần nghỉ phép rồi đi. Những năm tháng con còn nhỏ ba thường hay viết thư cho các con. Rồi con lớn, đi làm và xây dựng gia đình. Đã lâu lắm rồi ba không viết thư cho con và ba con mình cũng chưa có thời gian ngồi tâm tình cùng nhau con nhỉ.
Ngày mai là ngày sinh nhật của con, chẳng hiểu sao lần này ba lại muốn viết cho con, muốn tâm sự, chia sẻ với con những kỷ niệm, những nghĩ suy mà bao nhiêu năm ba chưa chia sẻ cùng con. Có lẽ ba đã già, người già thường hay hoài niệm thời đã qua chăng.
Con yêu! Hơn 40 năm đã qua, kể từ khi con ra đời, một khoảng thời gian ghi dấu bao buồn vui và biết bao kỷ niệm. Khi viết những dòng yêu dấu này cho con gái là lúc mà ba đang đi về với miền núi rừng xa thẳm để thăm lại nơi mà ba đã sống và làm việc suốt một thời trai trẻ và tuyệt vời biết bao nhiêu cũng chính nơi này, một đêm tháng 5 mưa gió đầy trời, ba đã đưa tay nâng đỡ con gái yêu chào đời. Kỳ diệu lắm con ạ.
Tác giả và con gái ngày còn nhỏ
Ngày sinh con, ba mới ngoài hai mươi tuổi, ba và mẹ đã đi bộ mấy cây số đường rừng để đến bệnh viện. Bệnh viện ở một huyện miền núi ngày đó còn sơ sài lắm, nhà cửa, cơ sở vật chất, trang thiết bị đều tối thiểu. Con sinh ra nằm trên chiếc giường giát tre không có chiếu, nền nhà lầy lội bùn vì trời mưa dột và nước từ vách núi tràn vào.
Đêm ấy, khi con ra đời, trời mưa gió to lắm, ngoài bà đỡ ra chỉ có mình ba bên mẹ. Vậy nên khi con chào đời ba là người đầu tiên ôm con gái vào lòng. Tiếng khóc con cất lên cũng có nghĩa niềm hạnh phúc trong ba cũng vỡ oà. Cái cảm xúc rưng rưng khó tả ấy cứ theo ba suốt cuộc đời.
Con biết không, thủa con chào đời đất nước mình nghèo đói và thiếu thốn lắm lắm. Cuộc sống của những người công nhân như ba mẹ mỗi tháng chỉ có ba kg gạo, còn lại là ngô, khoai, sắn. Nói đến đây ba lại nhớ một kỷ niệm, khi con mới mấy tháng tuổi, nhà không còn hạt gạo nào quấy cháo cho con. Thế là ngày chủ nhật ba mẹ bế con vào rừng để hái quả quéo về bán đẻ đong gạo, ba trèo lên cây quéo rừng hái quả, mẹ để con ngồi trên đám cỏ, rồi đi nhặt những quả quéo ba vứt xuống. Bỗng thấy con khóc thét lên, thì ra bầy kiến đỏ bâu lại đốt con, sau hôm ấy con sốt mấy ngày. Vậy mà một bì quả quéo cũng đổi được hai cân gạo quấy bột cho con. Mà thôi, ôn nghèo kể khổ làm chi khi tất thảy đã như là miền cổ tích con nhỉ.
Dẫu ba mẹ nghèo, dẫu cuộc sống khó khăn nơi núi rừng xa, nhưng con gái của ba vẫn cứ hồn nhiên khôn lớn từng ngày, ai cũng nói con gái của ba giống ba nhiều lắm, ba thấy mình hạnh phúc và ba biết, con cũng rất vui, con hãnh diện khi nghe ai cũng nói con gái giống ba.
Con gái à, khi con ra đời cho đến khi lẫm chẫm biết đi, ba đã tự tay cắt và khâu áo, váy cho con, tự tay móc những chiếc mũ, đôi tất cho con, con thấy ba khéo tay không nào. Cũng bởi ngày ấy nơi núi rừng xa xôi ấy hàng hoá rất hiếm, chẳng có để mua.
Nơi rừng thiêng nước độc, cuộc sống kham khổ, bệnh sốt rét luôn là nỗi lo lắng của những cặp vợ chồng có con nhỏ. Nếu con biết rằng, đận ấy, chỉ qua một đêm thôi mà đơn vị của ba mẹ, có ba em bé cùng độ tuổi con đã bỏ đi vì sốt rét ác tính. Thật kinh hoàng, sợ hãi. Chính từ cái đêm kinh hoàng ấy ba mẹ đành chấp nhận xa nhau, mẹ bế con về quê sinh sống. Vì sao vậy, vì con đấy. Khi ấy con mới hơn một tuổi. Thế rồi từ đó ba con mình sống xa nhau, mỗi năm con chỉ gặp ba vào những dịp ba nghỉ phép hoặc nghỉ hè con đi thăm ba.
Tác giả Trịnh Đình Nghi và con gái khi trưởng thành
Rồi từ trong cái nghèo và lam lũ của mẹ cha, con gái vẫn lớn lên và ngày thêm xinh đẹp chăm ngoan. Rồi con yêu, tình yêu lứa đôi đến với con quá sớm khi con còn đang học phổ thông. Ông bà, mẹ không ai ủng hộ tình yêu ấy của con vì cho rằng con còn nhỏ tuổi, còn đi học và còn vì gia đình bạn trai con nghèo, con cũng rất sợ ba vì con hiểu ba rất nghiêm khắc. Nhưng không, ngày về phép biết chuyện, ba vẫn ủng hộ con và chỉ dặn con rằng: ba tôn trọng tình cảm của con, các con hãy tôn trọng nhau và giữ gìn cho tình yêu trong sáng. Con gái ngoan đã vâng lời và giữ gìn tình yêu trọn vẹn.
Ngày con đi làm, bạn trai cũng rời quân ngũ, các con muốn cùng nhau xây dựng gia đình, kết duyên chồng vợ. Lại một lần nữa gia đình, họ mạc rất nhiều người không đồng ý với con vì cho rằng chưa “môn đăng hộ đối” và ai cũng tin chắc là ba sẽ phản đối. Cũng phải thôi, bởi con gái ba xinh đẹp lại ngoan hiền có tiếng trong làng, có bố làm cán bộ… nhà bạn trai thì nghèo, lại không nghề nghiệp. Bản thân ba cũng rất khó xử khi có một gia đình quan chức cấp cao ngỏ ý xin con về làm dâu. Nhưng rồi, một lần nữa bằng tình yêu và lòng tin vào con gái của mình, ba đã ủng hộ con.
Ba nhớ như in cái giây phút được ba đồng ý, con đã lặng đi, ba biết con muốn nhào đến ôm lấy ba mà khóc, khóc vì hạnh phúc. Rồi con làm mẹ, ngày con sang ngang ba tươi cười tiễn con về bên ấy mà lòng thấy bâng khuâng và chạnh chút muộn phiền rằng ba đã không làm cho con gái được như mình mong ước.
Có phải vì yêu ba, có phải vì thẩm thấu trong con nỗi nhọc nhằn, thăng trầm của mẹ cha, mà dù có những tháng năm thiếu khó, con gái ba vẫn không một lời kêu ca hờn trách, không một lời than vãn kêu cầu. Khi đi học xa nhà, con cũng tự kiếm việc làm thêm để trang trải chứ nhất định không xin tiền ba mẹ. Suốt những năm tháng sống cùng ba mẹ và cả cho đến tận bây giờ con chưa bao giờ đòi hỏi ba mẹ điều gì.
Con còn nhớ không, ngày con sinh con gái đầu lòng, vợ chồng con đang ở thuê một gian nhà cấp 4 tuềnh toàng ẩm thấp. Khi ba về thăm con, thăm cháu, thấy trời mưa gió, nước cống tràn vào nhà lội đến ống chân và bốc mùi tanh nồng nặc. Con gái mới sinh con được ít ngày ngồi ôm con trên giường vẫn nở nụ cười chào ba. Lúc ấy ba thấy vừa thương con, vừa giận con vì đã dứt khoát lựa chọn cuộc sống ấy. Nhưng rồi nụ cười của con làm ba thấy yên lòng.
Ngạn ngữ có câu “không ai hiểu con bằng cha”. Hơn ai hết ba hiểu con gái mình. Dù xuất giá theo chồng, toàn tâm toàn ý chăm lo cho trọn chữ “dâu hiền” nhưng trong mắt con vẫn ánh lên niềm hạnh phúc mỗi khi ai đó gọi Nga Nghi. Chỉ vậy thôi với ba đó cũng là niềm hạnh phúc vô bờ con à.
Giờ đây con đã là bà mẹ trẻ của những đứa con xinh xắn chăm ngoan. Ba đã là ông ngoại, nhưng phút giây hạnh phúc vỡ oà trong đêm mưa tháng 5 ngày xa ấy luôn in đậm và sẽ còn theo ba suốt cuộc đời này.
Ngày mai kỷ niệm ngày mặt trời tháng 5 bé bỏng của ba xuất hiện. Ba muốn con gái hãy nhận những dòng chia sẻ này như là món quà của ba mừng con yêu dấu, con sẽ hiểu thêm về những năm tháng con được sinh ra và lớn lên thế nào, hiểu thêm rằng ba đã yêu con gái đến nhường nào. Ba luôn yên lòng và thấy mình hạnh phúc khi con gái ba là người đảm đang, nhân hậu, yêu thương, trách nhiệm và quan tâm đến mọi người. Ba chỉ mong con vẫn mãi là Nga Nghi như bao năm tháng qua mọi người vẫn gọi và con vẫn kiêu hãnh với lời này con nhé. Yêu con!
Bài dự thi cuộc thi viết “Cha và con gái”
Tác giả: Trịnh Đình Nghi
Nguồn: https://giadinhonline.vn/thu-gui-con-gai-ngay-sinh-nhat-d198682.html