Đề xuất cấp bù lãi suất 3% khi cho vay lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ
Đây là nội dung đáng chú ý tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 111/2015 về chính sách cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vừa được Bộ Công Thương trình Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Theo đó, dự án đầu tư của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc ngành dệt may, da giày, điện tử, sản xuất và lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo, vật liệu mới, vi mạch… có thể được hưởng cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách trung ương thông qua ngân hàng thương mại. Mức lãi suất cấp bù là 3% một năm. Ngân sách địa phương hỗ trợ lãi với các khoản vay trung, dài hạn cho dự án đầu tư này.
Tăng thu ngân sách gần 10.000 tỷ đồng sau thanh kiểm tra
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ thực hiện 39.511 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị xử lý tài chính 49.478,8 tỷ đồng; trong đó, kiến nghị thu hồi nộp 13.088,8 tỷ đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 33.349,9 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 3.040 tỷ đồng. Số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước trong kỳ là 9.754,7 tỷ đồng.
Số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 43.349 tỷ đồng; trong đó, tiền truy thu, truy hoàn là 7.335 tỷ đồng; giảm lỗ, giảm khấu trừ là 33.084 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2.930 tỷ đồng.
Miền Bắc vẫn thiếu điện vào cao điểm hè 2 năm tới
Tại Hội nghị Tiết kiệm điện mùa nắng nóng vừa tổ chức, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao, dự báo tăng bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000-4.500 MW/năm.
Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 là 1.950MW và năm 2025 là 3.770MW, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp, còn nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng tới 10%/năm. Do vậy, miền Bắc có khả năng đối diện thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6-7/2024 (thiếu từ 420-1.770MW).
Chính phủ lưu ý Ngân hàng Nhà nước tăng tín dụng, hạ lãi vay
Trong Thông báo số 332/TB-VPCP ngày 17/8/2023 do Văn phòng Chính phủ ban hành, Thường trực Chính phủ lưu ý Ngân hàng Nhà nước khẩn trương có các giải pháp kịp thời, hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân; tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, đẩy mạnh chuyển đổi số,… phấn đấu tiếp tục hạ lãi suất cho vay.
Tín dụng từ đầu năm đến nay tăng trưởng khá chậm. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 9/8, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 4,3%, trong khi chỉ tiêu định hướng cả năm là khoảng 14-15%.
Ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1,5-2%
NHNN vừa gửi công văn đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu giảm lãi suất cho vay.
Tại văn bản này, NHNN yêu cầu các TCTD tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới. Phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. (Xem thêm)
Thủ tướng yêu cầu sửa Thông tư 06 về cho vay doanh nghiệp
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn hoả tốc gửi Thống đốc NHNN, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Phó Thống đốc NHNN yêu cầu họp bàn về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ diễn ra trong bối cảnh trước đó ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), có thông tin đến Ban chấp hành HoREA, Hội viên và cộng đồng doanh nghiệp “tin mừng” về việc Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã gửi thông tin cho lãnh đạo hiệp hội này với nội dung chủ đầu tư vẫn được vay kể cả dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh và cả dự án đủ điều kiện kinh doanh. (Xem thêm)
Sẽ xử lý tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá lúa gạo
Đây là nhiệm vụ mà lực lượng quản lý thị trường đặt ra nhằm thực hiện chỉ thị của Bộ Công Thương, đảm bảo giá lúa gạo ổn định trước diễn biến mới của thị trường gạo thế giới.
Để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị 24 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Doanh nghiệp đền bù 225 triệu đồng/ha đu đủ vì không thể bao tiêu
Những ngày qua, hàng chục héc ta đu đủ đến kỳ thu hoạch, quả chín rụng đầy gốc trồng tại thị xã Thái Hoà (Nghệ An) nhưng Công ty CP Chanh leo Nafoods không đến thu mua như hợp đồng đã ký kết. Sản lượng đu đủ ước tính gần 2.000 tấn, quả đang rụng dần mỗi ngày. Trong khi đó, người dân lại không được bán vì sợ vi phạm hợp đồng đã ký với doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đã chấp nhận đền bù, hỗ trợ người dân 225 triệu đồng/ha. Nếu tính theo hợp đồng đã ký trước đó thì doanh nghiệp phải đền bù cho người dân gần 500 triệu đồng/ha. (Xem thêm)