Chiêu trò lừa đặt phòng khách sạn dịp cao điểm du xuân

Mới đây, một du khách đặt phòng trên fanpage Facebook khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà (Ninh Bình) đã bị lừa số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), nhiều nhóm đối tượng lừa đảo chọn hình thức lập fanpage giả mạo, thực hiện thủ thuật để xin tích xanh từ Facebook.

Các đối tượng lừa đảo sẽ cho chạy quảng cáo fanpage giả để tạo độ uy tín, thậm chí mua các bình luận ảo về việc đặt phòng hay khen ngợi homestay, khách sạn để tạo lòng tin.

canh bao lua dao 1 1jpg.jpg

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các Fanpage giả mạo thông tin khách sạn, phòng nghỉ du lịch; kiểm tra, xác minh kỹ thông tin về vị trí, cơ sở vật chất của nơi ở cũng như lai lịch của người cung cấp dịch vụ; không chuyển tiền đặt cọc khi chưa xác minh được uy tín của đối tượng.

Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới về tích hợp điểm giấy phép lái xe

Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có cảnh báo về hình thức lừa đảo mới về cài đặt dịch vụ công để nhận điểm giao thông.

Cụ thể, ngày 5/1, chị L.T.L sống ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) được một người tự xưng cán bộ công an gọi điện để tư vấn: Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, áp dụng mỗi công dân tham gia giao thông được cấp 12 điểm; và sẽ có cán bộ của phòng kỹ thuật gọi điện để hướng dẫn người dùng tích hợp 12 điểm giấy phép lái xe vào dịch vụ công.

Khoảng 15 phút sau, chị L.T.L nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0818050180, yêu cầu kết bạn Zalo để được hướng dẫn cài đặt dịch vụ công nhằm tích hợp điểm giấy phép lái xe.

Sau khi thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng, cụ thể là nhập các thông tin giấy tờ cá nhân, chụp hình thẻ ngân hàng các mặt trước và sau, tài khoản của chị L.T.L đã bị trừ hơn 7,9 triệu đồng.

canh bao lua dao 2 1.jpg

Từ vụ việc trên, Cục An toàn thông tin nhận định, hình thức lừa đảo mạo danh cán bộ, nhân viên cơ quan nhà nước tuy không mới nhưng chiêu trò ngày càng tinh vi.

Thủ đoạn chung của các đối tượng là trực tiếp gọi điện đến số điện thoại di động cá nhân, giả danh cán bộ công an để tạo niềm tin và yêu cầu người dân đến trụ sở công an gần nhất để bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật, hoàn thiện dữ liệu về dân cư của người dân.

Ngoài ra, kẻ lừa đảo thường gọi, yêu cầu vào những thời điểm trong giờ hành chính, giờ làm việc… để người dân không thể sắp xếp thời gian, từ chối yêu cầu đến trụ sở công an và chọn làm việc, trao đổi thông tin qua điện thoại.

Cục An toàn thông tin lưu ý, điểm giấy phép lái xe sẽ được tự động tích hợp khi cài đặt dịch vụ công mức độ 2 với người có giấy phép lái xe; cơ quan công an không yêu cầu người dân cài bất kỳ dịch vụ nào để được tích hợp điểm.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tùy thân cho bất kỳ ai; không chuyển tiền theo yêu cầu, không tải về ứng dụng lạ hoặc các trang web không rõ nguồn gốc.

Khi nhận được cuộc gọi lạ tự xưng cán bộ cơ quan nhà nước, người dân cần kiểm tra và xác minh danh tính đối tượng.

Cảnh giác thủ đoạn lừa bán sơn trên mạng xã hội

Đối tượng P.T.T trú tại huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) vừa bị Công an tỉnh Thái Bình khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan điều tra, ừ đầu năm 2023 đến nay, đối tượng này sử dụng nhiều tài khoản Facebook tham gia các hội nhóm để rao bán sơn, vỏ thùng sơn.

Sau khi khách hàng chốt đơn, chuyển khoản mua hàng xong, đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền nhận được. Bằng thủ đoạn trên, đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên cả nước.

canh bao lua dao 3 1.jpg

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng khi giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến.

Người dân cần xác minh danh tính đối tượng, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng, không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản.

Người dân cũng cần chủ động bảo mật thông tin cá nhân; không chuyển khoản, không cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết; đồng thời, không nên truy cập bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào nhận được từ nguồn không rõ ràng. 

Người dân vẫn liên tiếp ‘sập bẫy’ lừa đảo mạo danh chiếm đoạt tài sảnLừa đảo mạo danh để chiếm đoạt tài sản của người dân tiếp tục là thông tin nổi bật về lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam tuần từ 30/9 đến 6/10, theo nhận định của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT).