Ngày 27/7, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và công an các địa phương đấu tranh, triệt phá thành công chuyên án lừa đảo trên không gian mạng bằng hình thức đầu tư tài chính do các đối tượng người Trung Quốc cầm đầu.
Lừa đảo xuyên quốc gia
Theo đó, từ cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có nhiều người dân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng chục tỷ đồng trên không gian mạng bằng hình thức đầu tư tài chính (Forex) qua sàn RosyStyle.
Các đối tượng Huỳnh Chí Dương, Nguyễn Thị Kim Chi, Châu Văn Thành, Trần Minh Thiện, Bùi Thị Bích Ngọc và Đỗ Thị Hồng. Ảnh: Công an cung cấp
Xác định đây là vụ việc có tính chất phức tạp, Công an tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo lực lượng xác minh và sớm đấu tranh, triệt phá ổ nhóm tội phạm này. Đồng thời, báo cáo đề xuất và được Bộ Công an đồng ý xác lập chuyên án.
Ban chuyên án sau đó đã triệu tập, di lý 6 đối tượng có liên quan từ Tây Ninh về Quảng Bình để đấu tranh, làm rõ.
Ngày 3/7/2023, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 6 đối tượng gồm: Bùi Thị Bích Ngọc (SN 1977, trú huyện Kiến Xương, Thái Bình), Châu Văn Thành (SN 1984, trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An), Huỳnh Chí Dương (SN 2003, trú huyện Đông Hải, Bạc Liêu), Nguyễn Thị Kim Chi (SN 1996, trú huyện Củ Chi, TP.HCM), Đỗ Thị Hồng (SN 1993, trú tại TP Móng Cái, Quảng Ninh) và Trần Minh Thiện (SN 1995, trú tại thị xã Hòa Thành, Tây Ninh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Mở rộng chuyên án, ngày 21/7, cơ quan điều tra đã đến 14 tỉnh, thành để tiếp tục xác minh, triệu tập, đấu tranh với 21 đối tượng.
Đối tượng Phạm Thùy Dung, Khương Thuận Phát và Hồ Thanh Tiền. Ảnh: Công an cung cấp
Đến ngày 23/7, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Bình đã ra lệnh tạm giữ hình sự đối với 5 đối tượng: Hồ Thanh Tiền (SN 1992, trú tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh), Khương Thuận Phát (SN 1994, trú phường 12, quận 6, TP.HCM), Phạm Thùy Dung (SN 1994, trú tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) và 2 đối tượng mang quốc tịch Malaysia để điều tra về các hành vi “Thu thập, tàng trữ, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.
Thủ đoạn của nhóm đối tượng lừa đảo
Theo cơ quan điều tra, đây là tổ chức tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, hoạt động có tổ chức, sử dụng công nghệ cao, có yếu tố nước ngoài và xuyên quốc gia do nhóm đối tượng người Trung Quốc lập ra. Nhóm này cùng các đối tượng người Việt Nam giúp sức để tuyển dụng, quản lý hàng trăm nhân viên người Việt Nam làm việc tại Campuchia để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hai đối tượng người Trung Quốc mang quốc tịch Malaysia. Ảnh: Công an cung cấp
Để thực hiện hành vi, các đối tượng cầm đầu tuyển người từ Việt Nam sang Campuchia, huấn luyện cách dùng các thiết bị máy tính, điện thoại, sim rác, tài khoản mạng xã hội do chúng cung cấp, chuẩn bị các đoạn văn mẫu hướng dẫn cách nói chuyện, dụ dỗ, lôi kéo nhà đầu tư nộp tiền.
Chúng chia thành 3 bộ phận gồm: Bộ phận gọi điện chạy quảng cáo tìm khách hàng, bộ phận chăm sóc khách hàng và bộ phận hướng dẫn khách nạp tiền đầu tư, hướng dẫn khách chuyển tiền vào các số tài khoản ngân hàng Việt Nam do các đối tượng người Trung Quốc chỉ định.
Bước đầu, Ban chuyên án đã xác định 24/44 tài khoản ngân hàng được các đối tượng sử dụng để nhận tiền của bị hại.
Qua phân tích, xác định tổng số tiền chuyển vào 24 tài khoản này là hơn 1.830 tỷ đồng, trong đó có hơn 5.500 tài khoản có giao dịch chuyển số tiền từ 11 triệu đồng trở lên. Các tài khoản này đều do các đối tượng người Trung Quốc quản lý, sử dụng.
Theo Đại tá Lê Văn Hóa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình thì đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và có liên quan đến hàng trăm đối tượng, bị hại ở nhiều địa phương trong nước và nước ngoài.
Công an cũng yêu cầu các cá nhân, tổ chức nào bị các đối tượng này lừa đảo trực tiếp liên hệ với Công an tỉnh Quảng Bình, số 1 Hùng Vương, phường Đồng Hải, TP Đồng Hới, Quảng Bình để được giải quyết.