Thú chơi gà cảnh lắm công phu

Việt NamViệt Nam15/02/2025


Là thú chơi đòi hỏi sự đầu tư về cả tiền lẫn công chăm sóc nhưng nhiều năm qua, gà cảnh vẫn thu hút không ít người dân Quảng Trị tham gia vì sự đam mê, yêu thích. Phong trào này đã tạo sân chơi lành mạnh, góp phần giữ gìn, nhân rộng các giống gà Việt đẹp thuần chủng.

Thú chơi gà cảnh lắm công phu

Ngoài chơi gà tre Tân Châu, ông Bùi Mạnh Dũng còn sở hữu những cặp gà Onagadori với bộ lông đuôi dài mượt - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Những ngày này, anh Nguyễn Đức Thông ở Khu phố 5, thị trấn Gio Linh dường như bận rộn hơn với việc chăm sóc, tạo dáng cho những chú gà tre Tân Châu của mình để chuẩn bị tham gia hội thi “Nét đẹp gà cảnh Tân Châu” được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ trong tháng 3 tới đây. Là người đam mê và bắt đầu chơi gà cảnh từ năm 2015, đến nay anh Thông đã nhiều lần đưa những chú gà của mình đi tham gia các hội thi và đạt giải cao.

Anh Thông chia sẻ: “Vì đam mê nên tôi đã tìm hiểu nhiều giống gà để chơi, khi biết đến gà tre Tân Châu, tôi thực sự bị chinh phục bởi bộ lông cườm, lông mã sặc sỡ, bộ đuôi dày, dài thướt tha của chúng. Từ đó, tôi bắt đầu tìm mua con giống, học hỏi kinh nghiệm nuôi gà ở các diễn đàn và nhiều tỉnh, thành phía Bắc, phía Nam. Để phục vụ cho thú chơi này, tôi phải bỏ ra không ít công sức, từ việc lai tạo giống, chăm sóc, vệ sinh chuồng trại đến huấn luyện hằng ngày cũng mất rất nhiều thời gian”.

Theo anh Thông, để đủ điều kiện tham gia các cuộc thi, con gà tre Tân Châu bên cạnh được lựa chọn kỹ lưỡng từ quá trình lai tạo giống qua nhiều thế hệ, người nuôi phải tỉ mỉ từ chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng cho đến chuồng trại đủ điều kiện. Ngoài việc bổ sung rau, cám, thóc... gà cần được ăn thêm các loại vitamin, chất đạm như sâu, dế, thịt bò, cá, rau, cỏ, cà chua... Riêng về chuồng trại phải đủ ánh sáng, có lót sàn, treo cầu đảm bảo bộ lông của gà không bị gãy khi vận động.

“Con gà đẹp nhờ bộ lông. Do đó, mỗi ngày gà tre Tân Châu phải được tắm, phơi nắng. Ngoài ra, người chơi gà phải chú ý mồng, mỏ và mắt gà đảm bảo nhỏ gọn, cân đối với bộ lông. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là thời điểm gần các cuộc thi, những chú gà được lựa chọn đi thi phải có trọng lượng không quá 1,1 kg, không được chỉnh sửa mồng, tai, tích, phao câu, nhuộm, nối lông thì mới đủ điều kiện dự thi”, anh Thông chia sẻ thêm.

Cũng là một người đam mê sinh vật cảnh, nhiều năm nay, ông Bùi Mạnh Dũng ở TP. Đông Hà dành nhiều tâm huyết, thời gian và cả tiền bạc đầu tư cho việc nuôi gà cảnh, nhất là giống gà tre Tân Châu. Theo ông Dũng, nuôi gà cảnh nghe qua thì đơn giản nhưng để tạo ra một “chiến kê” ưng ý, người chơi phải có sự đầu tư. Về giống gà tre Tân Châu, là giống gà được lai tạo từ gà rừng Tân Châu (tỉnh An Giang) với giống gà tre Nhật Bản, khi được thuần dưỡng qua nhiều đời mới hình thành nên giống gà tuyệt đẹp như hiện nay.

Thú chơi gà cảnh lắm công phu

Anh Nguyễn Đức Thông chăm sóc trại gà tre Tân Châu - Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Hiện tại, sau thời gian nghiên cứu, học hỏi và tìm kiếm các giống gà cảnh ở khắp mọi miền đất nước, ông Dũng đã xây dựng một trại gà nhỏ với đầy đủ các giống gà nổi tiếng. Trong đó, phải kể đến giống gà Onagadori xuất xứ từ Nhật Bản, đây là giống gà quý ở đất nước mặt trời mọc với bộ đuôi dài, óng ả. Hay các giống gà Brahma của Mỹ, gà Sao châu Phi, Vảy cá bạc từ Anh quốc, gà Mini cochin xuất xứ ở Bắc Mỹ. Ông Dũng tâm đắc nhất là những “chiến kê” giống gà tre Tân Châu được ông chăm sóc bằng tất cả niềm đam mê đối với giống gà cảnh thuần Việt. Ngoài những giống gà cảnh nổi tiếng, ông Dũng cũng là người sở hữu bộ sưu tập sinh vật cảnh độc đáo với những chú chim công, trĩ, đà điểu, gà tây...

Ông Dũng chia sẻ: “Việc nuôi, chăm sóc gà cảnh khó hơn nhiều so với gà truyền thống, bởi lẽ, gà cảnh ngoài sinh tồn thì quan trọng là vẻ đẹp từ bộ lông mượt mà, dáng đi uyển chuyển, đặc biệt hơn là tiếng gáy và độ thân thiết giữa người nuôi và chiến kê. Vì vậy, ngoài chế độ ăn đặc biệt, gà tre Tân Châu và nhiều giống gà cảnh khác cần được nuôi trong các chuồng trại có hệ thống quạt, làm mát về mùa hè và sưởi ấm trong mùa đông. Ngoài ra, cần dành nhiều thời gian để tập cho chúng gần gũi với người và huấn luyện gà theo ý mình bằng cách tạo ra âm thanh từ búng tay”.

Theo ông Dũng, một con gà đẹp phải hội đủ các tiêu chuẩn về hình dáng cân đối, phong thái nhanh nhẹn, mã dìm, tức bộ lông mã nằm bên dưới cánh và lông bờm ở cổ dài, che lấp hầu như toàn bộ phần cổ. Đặc biệt, lông đuôi phải dài nhưng cân đối, cong mềm mại và không chắp nối... Nếu “chiến kê” trống nào có bộ lông nhiều màu sắc khác nhau, chắc khỏe thì có ưu thế ghi điểm khi tham gia các cuộc thi.

Với việc có chung niềm đam mê về gà cảnh, từ nhiều năm nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành câu lạc bộ gà cảnh Quảng Trị với mong muốn tạo ra sân chơi, cơ hội giao lưu của những người nuôi gà cảnh nhằm trao đổi kinh nghiệm chăm sóc, lai tạo ra nhiều màu sắc cho những chú kê sau này đẹp và có phẩm chất theo ý muốn.

Với tư cách là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) gà cảnh Quảng Trị, ông Dũng bộc bạch, từ khi thành lập đến nay, thành viên CLB đã tích cực tham gia các cuộc thi “Nét đẹp gà cảnh Tân Châu” trên cả nước và giành được nhiều giải thưởng lớn. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố, hiện việc duy trì hoạt động của CLB gặp không ít khó khăn. Dù vậy, việc trao đổi, giao lưu của những “tín đồ” chơi gà cảnh trong tỉnh vẫn được duy trì vào các dịp lễ, tết và những thành viên của câu lạc bộ hiện vẫn tham gia các giải lớn trong cả nước.

Say mê hình dáng oai vệ, những bộ lông sặc sỡ và tiếng gáy nhẹ nhàng của những chú gà cảnh nói chung và gà tre Tân Châu nói riêng là động lực để những người như ông Dũng, anh Thông sẵn sàng đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc để tạo ra những “chiến kê” cho riêng mình. Đối với họ, nuôi gà cảnh bằng tâm huyết, niềm đam mê sẽ mang lại sự thư thái, bởi đây không chỉ là thú chơi mà còn góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát triển các giống gà đẹp, nhất là gà Việt thuần chủng.

Lê Trường



Nguồn: https://baoquangtri.vn/thu-choi-ga-canh-lam-cong-phu-191712.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available