Từ những chỉ đạo chiến lược…
Tháng 10.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị ở Tỉn Keo (H.Định Hoá, Thái Nguyên) bàn kế hoạch Đông Xuân 1953 – 1954. Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về ý đồ của tướng Nava tập trung lực lượng cơ động để giành quyền chủ động và mơ tưởng giành thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng, Chủ tịch Hồ Chi Minh khẳng định: “Địch tập trung quân cơ động để tạo sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”.
Ngày 6.12.1953, Bộ Chính trị họp mở rộng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi nghe báo cáo tình hình chiến sự Đông Xuân 1953 – 1954 đã có những phân tích, đánh giá sắc sảo và thống nhất nhận định: Pháp đã xây dựng ở Điện Biên Phủ một tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng điểm yếu cơ bản của tập đoàn này là dễ bị cô lập, mọi sự vận chuyển đều dựa vào đường không. Đối với ta, Điện Biên Phủ là chiến trường xa, khó khăn lớn nhất cũng là việc cung cấp hậu cần. Mặc dù vậy, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược và thông qua kế hoạch tác chiến của Tổng Quân ủy.
Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định cân não làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ
Bộ chỉ huy chiến dịch được chỉ định: Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Chủ nhiệm chính trị Lê Liêm, Chủ nhiệm cung cấp Đặng Kim Giang…. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được”.
Tháng 1.1954, Người căn dặn thêm Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước ngày ra mặt trận: “Cần nắm chắc Nghị quyết của T.Ư và chủ trương của Bộ Chính trị là: “Đánh chắc thắng”. Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch, Người chủ trì nhiều cuộc họp, theo dõi, nắm chắc tình hình và đưa ra những chỉ đạo kịp thời.
… đến tình cảm quan tâm ấm áp
Theo dõi từng phút, từng giờ tình hình mặt trận Điện Biên Phủ từ khi chưa nổ súng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kịp thời động viên, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Từ niềm tin và nguồn động viên đó, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích lịch sử.
Tháng 12.1953, khi các chiến sĩ và dân công đang tấp nập lên đường đến Điện Biên, Người có gửi hai thư liên tiếp đến bộ đội và dân công. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các cán bộ, chiến sĩ trong Thư gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ: “Phải chiến đấu anh dũng hơn, chịu đựng gian khổ hơn, phải giữ vững quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: Quyết tâm tiêu diệt địch/Quyết tâm giữ vững chính sách/Quyết tâm tranh nhiều thắng lợi/Bác và Chính phủ chờ tin thắng lợi để khen thưởng các chú”.
Trong Thư gửi các cán bộ cung cấp và đồng bào dân công, Bác viết: “Bác gởi lời thăm các cô, các chú, và mong các cô, các chú ra sức thi đua: chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, giúp sức bộ đội, tranh nhiều thắng lợi, hoàn thành nhiệm vụ vượt mức. Đồng thời các cô, các chú phải giữ vững chính sách của Đảng và của Chính phủ. Bác chờ thành tích của các cô, các chú để khen thưởng”.
Để kịp thời động viên, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho bộ đội vượt mọi khó khăn, quyết chiến thắng ở Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” làm phần thưởng để khích lệ cán bộ, chiến sĩ lập công. Dịp tết Giáp Ngọ, Người gửi tặng mỗi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận một chiếc ca in đậm hàng chữ đỏ tươi “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”.
Ngày 11.3.1954, trước giờ nổ súng tiến công, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các chiến sĩ. Người căn dặn: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang… Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới”.
Sau khi quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, ngày 15.3, Người lại gửi điện khen ngợi, cổ vũ và căn dặn toàn thể cán bộ, chiến sĩ: “Bác và T.Ư Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và T.Ư Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan, khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.
Ký ức ‘khoét núi, ngủ hầm’ và khối bộc phá ngàn cân trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Theo dõi nắm tin tức từng ngày, từng giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem tới cho cán bộ và chiến sĩ trên mặt trận sức mạnh tinh thần lớn lao dựa trên niềm tin vào thắng lợi. Khi chiến dịch toàn thắng, ngày 8.5, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc – những người trực tiếp làm nên chiến thắng vĩ đại.
Thư ngày 8.5 này viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch… Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt”. Người tặng huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho các cán bộ, chiến sĩ lập công xuất sắc.
Quyết tâm chiến lược của Đảng đã biến thành ý chí và hành động của toàn quân và dân. Đã 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, những món quà, bức thư, điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới mặt trận là nguồn động viên tinh thần quý giá đối với chiến sĩ, dân công Điện Biên, tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt gian khổ, chiến đấu anh dũng, giành chiến thắng. Nhà thơ Tố Hữu đã cảm tác về Người trong bài thơ khải hoàn Hoan hô chiến sĩ Điện Biên: “… Bác đang cúi xuống bản đồ/Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo…/Từ khi vượt núi qua đèo/Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày”.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thu-bac-ho-gui-dien-bien-phu-185240427122312186.htm