Khai thác bệnh sử, anh A. cho biết trước đó có gặp lại 2 người bạn sau thời gian dài nên có uống rượu cùng nhau. Bình thường anh rất ít uống rượu bia, nay nghe rượu đặc sản nên uống thử 3 ly, thấy lâng lâng nên về nhà nghỉ.
Sau đó anh A. bắt đầu nôn ói, mệt người nhưng nghĩ do say rượu. Sáng hôm sau, anh bị đau nửa đầu, khó thở, sợ ánh sáng, mắt nhìn mờ như có mây che, đôi lúc nhìn trắng như tuyết. Tới ngày thứ 3, khi biết tin 2 người bạn cũng có các triệu chứng tương tự, anh gọi vợ đưa đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Ngày 22.9, bác sĩ CKI Đinh Tuấn Vinh, khoa Hồi sức Cấp cứu (ICU), Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết bệnh nhân A. nhập viện với triệu chứng điển hình của ngộ độc methanol như bồn chồn, nôn ói, ngủ lịm, mắt nhìn mờ, đau nửa đầu, khó thở… Ngay lập tức, người bệnh được xét nghiệm máu, nước tiểu, truyền dịch giảm tình trạng mất nước và thở oxy. Kết quả đúng với chẩn đoán ban đầu, anh bị nhiễm toan chuyển hóa với chỉ số pH động mạch giảm còn 7,29 (chỉ số bình thường từ 7,35 – 7,45).
“Nhưng nếu tiếp tục chờ kết quả xét nghiệm chính xác sẽ kéo dài thời gian chất độc methanol ngấm vào cơ thể người bệnh. Do đó ngay khi dựa trên các triệu chứng lâm sàng và kết quả nhiễm toan chuyển hóa, bệnh nhân được lọc máu ngắt quãng nhanh chóng nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm như tổn thương thần kinh thị giác gây mù lòa, suy đa tạng, thậm chí tử vong”, bác sĩ Vinh chia sẻ.
Sau khi được lọc máu ngắt quãng 4 tiếng 1 lần, theo dõi 12 tiếng và được tiếp tục lọc máu ngắt quãng lần 2, bệnh nhân hết nhìn mờ, tình trạng toan máu đã cải thiện. Hiện tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, các chỉ số xét nghiệm về ngưỡng an toàn, chức năng gan thận ổn định.
Chỉ cần uống 30 ml methanol nguyên chất có thể gây tử vong
Bác sĩ Đinh Tuấn Vinh cho biết methanol là một loại cồn công nghiệp. Methanol được sử dụng nhiều mục đích khác nhau như làm dung môi, sơn, dung dịch tẩy rửa, chất chống đông lạnh… Các sản phẩm có chứa methanol như: Nước hoa, chất lỏng rửa kính chắn gió, chất tẩy rửa bộ chế hòa khí… Vì có độc tính cao với cơ thể nên methanol chỉ được sử dụng một lượng nhỏ trong dung dịch công nghiệp, không được dùng làm rượu, chế biến thực phẩm.
Nếu không may uống phải methanol, người bệnh sẽ bị ngộ độc nhanh chóng từ 30 – 60 phút. Chỉ cần uống 30 ml methanol nguyên chất có thể gây tử vong và 10 ml có thể gây mù lòa. Methanol được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, phần lớn được chuyển hóa qua gan thành axit formic gây nhiễm toan chuyển hóa, gây tổn thương các cơ quan tạng, thần kinh, thị giác và đe dọa đến tính mạng. Khi mới uống vào, cơ thể sẽ có cảm giác giống với say rượu.
Khi vào cơ thể, các triệu chứng ngộ độc methanol rõ hơn bao gồm: Nôn ói, đau đầu, chóng mặt, bồn chồn, đau lưng, đau thân mình, cứng cơ, vã mồ hôi, ngủ lịm, mắt mờ, thở yếu, ảo giác, hôn mê, co giật… Các biểu hiện trên lâm sàng như giãn mạch, tụt huyết áp, suy tim, thay đổi chức năng gan, suy thận cấp…
Để phòng ngộ độc methanol người dân nên chọn rượu có nguồn gốc rõ ràng và được cấp phép bởi Cục An toàn thực phẩm. Khi uống rượu nếu có các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc rượu hãy đến cơ sở y tế gần nhất, có đủ thiết bị máy móc, đặc biệt có hệ thống máy lọc máu để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến cuộc sống về sau.