Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, sầu riêng tiếp tục là trái cây xuất khẩu có kim ngạch cao nhất ở ngành hàng rau quả. Trong 9 tháng năm 2024, “vua trái cây” đã đem về 2,82 tỷ USD, tăng 63,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Đặc biệt, tháng 9 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt gần 674 triệu USD (khoảng 16.850 tỷ đồng), tăng 24,9% so với tháng 8.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 90% giá trị xuất khẩu của loại trái cây tỷ USD này.

Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam – ước tính đến hết tháng 10/2024, xuất khẩu sầu riêng đã đạt trên 3 tỷ USD. 

Theo ông, mùa thu hoạch chính ở Tây Nguyên gần như đã kết thúc nên lượng sầu riêng xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ không nhiều như các tháng giữa năm. Tuy nhiên, miền Tây lại bước vào mùa thu hoạch sầu riêng nghịch vụ. 

Điều đáng nói, thời điểm này cả thế giới chỉ Việt Nam có sầu riêng thu hoạch nên gần như độc quyền, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, sản lượng sầu riêng vụ nghịch tại miền Tây năm nay sụt giảm đã đẩy giá mặt hàng này tăng mạnh, lên mức cao chót vót, lãnh đạo Hiệp hội rau quả Việt Nam cho hay.

sau rieng.jpg
Vào vụ nghịch, giá sầu riêng ở nước ta tăng cao chót vót. Ảnh: Mạnh Khương

Thông tin từ Bộ NN-PTNT, tính đến hết tháng 10, sản lượng sầu riêng đã thu hoạch của cả nước ước khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng tháng 10/2024, sản lượng thu hoạch đạt 154.200 tấn, giảm 15% so với tháng 9.

Những ngày gần đây, giá sầu riêng tại các vùng trồng tăng mạnh do khan cung, trong khi cầu vẫn tăng cao. Ông Nguyễn Nhật ở xã Xuân Định (Xuân Lộc, Đồng Nai), cho biết, giá sầu riêng Thái tại khu vực Đông Nam Bộ đã tiến sát mốc 200.000 đồng/kg với hàng loại 1, sầu riêng Ri6 đang được thu mua tại vựa với giá 150.000 đồng/kg.

Chia sẻ về câu chuyện giá sầu riêng leo thang những ngày gần đây, ông Huỳnh Tấn Lộc – Giám đốc HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp (Tiền Giang) – nói: “Sầu riêng đắt đỏ đến mức HTX cũng không dám mua vào để xuất khẩu. Trong khi, tầm này năm ngoái mỗi ngày HTX thu mua đến vài chục tấn hàng”.

Ông dẫn chứng, với sầu Thái hàng loại A thu mua tại vựa đã vọt lên 190.000-200.000 đồng/kg, loại B thấp hơn loại A khoảng 20.000 đồng mỗi ký. Tương tự, sầu riêng Ri6 hàng loại A cũng tăng lên mức 150.000 đồng/kg. Còn thu mua tại vườn, giá các loại sầu riêng dao động từ 130.000-170.000 đồng/kg áp dụng với hàng loại A.

Theo ông Lộc, năm nay thời tiết không thuận lợi với cây trồng này. Thế nên, hoa sầu riêng nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả thấp dẫn đến sản lượng ở vụ nghịch giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. 

“Ở miền Tây, hiện có đến vài trăm vựa thu mua sầu riêng. Hàng khan hiếm, thương lái lùng khắp các vườn càng đẩy giá sầu lên cao”, ông nói. 

Đặc biệt, sầu vụ nghịch bắt đầu thu từ tháng 10 năm nay kéo dài cho đến tháng 2 năm sau cũng là thời điểm gần như Việt Nam độc quyền sầu riêng tươi nguyên trái trên thị trường thế giới vì các nước khác đã hết mùa thu hoạch. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt ký đơn hàng xuất khẩu với phía đối tác Trung Quốc buộc phải giao hàng theo đơn đúng hẹn, nên thời điểm này giá nào họ cũng phải thu mua cho đủ.

Đây là những nguyên nhân đẩy giá sầu riêng tăng mạnh lên 200.000 đồng/kg, ông Lộc giải thích thêm. Đồng thời, ông dự báo, thời gian tới vào cao điểm lễ Tết, giá loại trái cây này có khả năng còn tăng cao hơn nữa, bởi ở Trung Quốc nhiều người chuộng chọn sầu riêng làm quà biếu.

“Giá sầu riêng giờ tăng nhanh không khác gì giá vàng thời gian qua”, ông ví von. Do đó, HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp tạm thời chưa dám ký những đơn hàng lớn để thu mua xuất khẩu dài hạn, chỉ ký đơn hàng giao ngay nhằm tránh rủi ro khi sập giá.

Về dự báo về kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, ông Đặng Phúc Nguyên nhẩm tính “vua trái cây Việt” có thể mang về 3,5 tỷ USD.

Còn xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, lãnh đạo Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình xin cấp mã số vùng trồng. Dự kiến, sớm nhất lô hàng đầu tiên có thể xuất khẩu sang Trung Quốc vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Tuy nhiên, do giá sầu riêng đang cao nên phần lớn doanh nghiệp sẽ chọn xuất khẩu hàng tươi nguyên trái. Còn nếu đưa vào cấp đông để xuất khẩu cơm sầu thì giá thành sẽ rất cao.

Thường doanh nghiệp chỉ chọn cấp đông cơm sầu riêng khi có nguồn hàng dồi dào, giá thấp. Như vậy, khi đưa sang thị trường Trung Quốc, hàng tới tay người tiêu dùng sẽ có giá hợp lý và dễ cạnh tranh hơn, ông Nguyên cho biết.

Việt Nam nhập khẩu sầu riêng tăng đột biến 1.057%So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu sầu riêng trong 8 tháng năm nay tăng đột biến 1.057%, tức gấp gần 11,6 lần.