Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm dài hơn 49 km, khởi công tháng 9/2021 với tổng kinh phí hơn 7.600 tỉ đồng, được thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao).
Chủ đầu tư Dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải. Dự án có quy mô 4 làn xe, rộng 17m; sau đó nâng đường rộng 32 m, 6 làn xe, điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh.
Toàn tuyến cao tốc Nha Trang – Cam Lâm được bố trí xen kẽ 18 điểm dừng khẩn cấp, cuối tuyến có làn dừng khẩn cấp mỗi bên. Cao tốc cũng có 25 cây cầu, trong đó 10 cầu vượt ngang, mỗi cầu rộng 5 – 12m tùy vào đường kết nối. Theo kế hoạch của Bộ GTVT, ô tô được phép chạy trên tuyến cao tốc Nha Trang – Cam Lâm với tốc độ tối đa 80 km/h và tối thiểu 60 km/h.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, để kịp tiến độ khánh thành, khoảng 1.700 kỹ sư, công nhân ngày đêm hoàn thiện những hạng mục cuối cùng của dự án. Dự án cũng được áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, đặc biệt là công nghệ xây dựng dải phân cách giữa là bê tông xi măng đổ liền khối tại hiện trường bằng máy chuyên dụng của Đức giúp bề mặt bê tông láng mịn, không có hiện tượng nứt nẻ.
Trong đó, hầm Dốc Sạn là một trong những hạng mục quan trọng nhất nhưng cũng khó thi công nhất của dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm cũng đã hoàn thành. Hầm Dốc Sạn có hai ống, tổng chiều dài 1,5 km, mỗi bên dài gần 750m, vốn đầu tư hơn 1.200 tỉ đồng.
Công trình bắt đầu khởi công tháng 11/2021. Để đẩy nhanh dự án, chủ đầu tư đã bố trí các nhà thầu kinh nghiệm nhất về thi công hầm xuyên núi. Công trường hầm được bố trí 4 mũi thi công đào và gia cố hầm, hai mũi thi công gia cố mái cửa hầm. Các đơn vị tổ chức thi công ba ca bốn kíp liên tục, trung bình đào khoảng 10 m hầm mỗi ngày.
Theo Chủ đầu tư, dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm sẽ trở thành tuyến đầu tiên triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS). Hệ thống giao thông thông minh toàn diện tại cao tốc Nha Trang – Cam Lâm bao gồm cả hệ thống giám sát điều hành trên tuyến và hầm, hệ thống thu phí không dừng, hệ thống thông tin liên lạc, camera giao thông…
Đối với đoạn Nha Trang – Cam Lâm, các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu đến cuối dự án. Tuy nhiên, trong điều kiện các đoạn cao tốc kế tiếp 2 đầu dự án là Vân Phong – Nha Trang và Cam Lâm – Vĩnh Hảo chưa thông xe nên phương án tổ chức phân luồng từ xa trên tuyến cao tốc như sau:
Theo hướng Bắc – Nam, các phương tiện nêu trên được lưu thông từ quốc lộ 1 vào quốc lộ 27C, nhập vào cao tốc tại nút giao quốc lộ 27C (đầu tuyến tại Km5+783) đến nút giao Cam Ranh tại Km52+892 kết nối với quốc lộ 1 thông qua quốc lộ 27B.
Dự án đưa vào khai thác có điều kiện tuyến chính và 2/4 nút giao, bao gồm nút giao đầu tuyến tại Km5+783 kết nối với quốc lộ 27C thuộc địa phận xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa và nút giao cuối tuyến tại Km52+892 kết nối với quốc lộ 27B thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.
Cao tốc Nha Trang – Cam Lâm khi đưa vào sử dụng sẽ kết nối cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây đến Long Thành – TP. Hồ Chí Minh. Công trình góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, giảm tải cho quốc lộ 1.
Đặc biệt, việc chủ đầu tư Dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thông xe dự án sớm so với tiến độ 3 tháng trong bối cảnh nhiều cao tốc trọng điểm chậm trễ được xem điểm sáng ở lĩnh vực giao thông.
Cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo dài 101 km, được đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng, thi công từ tháng 11/2020.
Tại cao tốc này, các phương tiện được khai thác tuyến đường từ đầu nút giao Vĩnh Hảo kết nối với cao tốc thành phần Phan Thiết – Dầu Giây đi TP. Hồ Chí Minh. Dự án đưa vào khai thác hoàn thiện 5/5 nút giao, gồm: Nút giao Vĩnh Hảo (Km134+700), nút giao Chợ Lầu (Km162+777,78), nút giao Đại Ninh (Km178+655,22), nút giao Ma Lâm (Km208+701,74), nút giao Phan Thiết (Km234+617,56).
Với đoạn cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo được khai thác, ôtô từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có thể đi một mạch ra tỉnh Bình Thuận bằng cao tốc mà không cần đi trên quốc lộ 1. Tới đây, khi đoạn Vĩnh Hảo – Cam Lâm hoàn thành, ôtô sẽ chạy liền mạch từ TP. Hồ Chí Minh đến Nha Trang bằng cao tốc.
Hai cao tốc Nha Trang – Cam Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết thông xe cũng giúp nâng chiều dài trục cao tốc Bắc Nam đã hoàn thành lên 835 km, tăng 458 km so với giai đoạn trước năm 2020.