Thông tin trên được Cục kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nêu tại văn bản kết luận kiểm tra Thông tư 06/2023/TT-NHNN ngày 28.6.2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHHNN ngày 30.12.2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Cụ thể, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nêu rõ tại điểm c khoản 6 Điều 1 Thông tư 06, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng (TCTD) “phải có biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay theo quy định của pháp luật, thoả thuận của các bên tại thoả thuận cho vay cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm”.
Tuy nhiên, pháp luật về biện pháp bảo đảm (theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định số 21/2021/NĐ-CP) chỉ quy định việc gửi tiền vào tài khoản phong toả tại một TCTD để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp ký quỹ, không có biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay như quy định nêu trên của Thông tư 06.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, về thanh toán không dùng tiền mặt thì tài khoản thanh toán bị phong toả một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản trong 3 trường hợp:
Một là, khi không có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
Hai là, khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót về chuyển tiền. Số tiền bị phong toả trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;
Ba là, khi có tranh chấp giữa các chủ tài khoản thanh toán chung.
Như vậy, theo Cục Kiểm tra văn bản QPPL, việc Ngân hàng Nhà nước quy định biện pháp phong toả số tiền giải ngân vốn cho vay tại TCTD cho vay để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nghị định 101/2012/NĐ-CP, cũng như hạn chế quyền lựa chọn biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự giữa các bên liên quan.
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL kiến nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xử lý các nội dung trái pháp luật trên, đồng thời rà soát quá trình thực hiện Thông tư 06 để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra (nếu có).
Tiếp đó, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người đã tham mưu xây dựng, ban hành văn bản theo quy định.
Trên thực tế, Thông tư 06 ngay từ khi được Ngân hàng Nhà nước ban hành đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, phần lớn đến từ các hiệp hội và doanh nghiệp bất động sản.
Sau cuộc họp khẩn vào ngày 17.8.2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc nghiên cứu sửa đổi Thông tư 06 nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trước khi Thông tư 06 có hiệu lực thi hành vào ngày 1.9.2023, NHNN đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN vào ngày 23.8.2023 để ngưng hiệu lực thi hành điều 8.8, 8.9 và 8.10 của Thông tư 39 (được bổ sung theo điều 1.2 của Thông tư 06).