Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), Khép lại phiên giao dịch 11/3, giá hai mặt hàng cà phê giảm thêm lần lượt 0,11% đối với giá Arabica và 0,35% đối với giá Robusta. Thông tin cơ bản trái chiều trước sự suy yếu của tỷ giá USD/BRL và những tín hiệu tín cực từ nguồn cung đã khiến giá cà phê giằng co trong phiên.
Giá hai mặt hàng cà phê giảm thêm lần lượt 0,11% đối với giá Arabica và 0,35% đối với giá Robusta |
Một mặt, đồng Real nội địa của Brazil tăng mạnh hơn đã kéo tỷ giá USD/BRL mất 0,02%. Chênh lệch tỷ giá đi xuống gây ra tâm lý hạn chế bán cà phê của nông dân Brazil.
Mặt khác, bên cạnh dữ liệu xuất khẩu lớn tại Brazil, tồn kho Arabica trên đà khởi sắc đã tạo sức ép lên giá. Kết phiên ngày 8/3, tổng lượng Arabica đã qua chứng nhận trên Sở ICE tăng thêm 13.875 bao, lên 424.752 bao, mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua.
Với Robusta, lo ngại thiếu hụt nguồn cung đã phần nào được xoa dịu khi dự báo mưa xuất hiện trở lại tại vùng gieo trồng cà phê chính của Việt Nam. Hơn nữa, tồn kho Robusta trên sở ICE kết phiên 7/3 được bổ sung thêm 290 tấn, kéo tổng lượng cà phê lưu trữ tại đây lên mức 24.320 tấn.
Giá cà phê tại thị trường nội địa Việt Nam và Indonesia đã đạt mức kỷ lục mới trong tuần trước, do do tồn kho thấp và nhu cầu vẫn rất cao. Mức giá chênh lệch được đẩy lên rất cao, ở mức 500 – 550 USD/tấn với cà phê Robusta loại II, 5% đen vỡ và ở mức 750 – 800 USD/tấn với cà phê Sumatra loại 4, 80 hạt lỗi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân tích, nguyên nhân chính khiến giá cà phê Robusta xuất khẩu tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Nắng nóng xuất hiện tại vùng trồng cà phê trọng điểm khiến nhiều nhà nhập khẩu lo ngại về triển vọng nguồn cung cà phê Robusta vụ mới sẽ khó khăn, bởi Việt Nam là nước xuất khẩu Robusta lớn nhất thế giới.
Dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 có thể giảm 10% xuống 1,656 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm, do hạn hán. Trong khi đó, tồn kho cà phê Robusta trên thế giới tiếp tục bấp bênh khiến tâm lý thị trường luôn trong tình trạng lo ngại thiếu hụt nguồn cung.
Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, tháng 2/2024, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 1/2024 do nhu cầu vẫn ở mức cao. Theo ước tính, tháng 2/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 200.000 tấn, trị giá 655 triệu USD, giảm 16,1% về lượng và giảm 9,8% về trị giá so với tháng 1/2024, so với tháng 2/2023 giảm 0,2% về lượng, nhưng tăng 50,3% về trị giá.
Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 438.000 tấn, trị giá 1,38 tỷ USD, tăng 27,9% về lượng và tăng 85% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tháng 2/2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.276 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng 1/2024 và tăng 50,6% so với tháng 2/2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.153 USD/tấn, tăng 44,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Tháng 2/2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.276 USD/tấn |
Về chủng loại xuất khẩu, tháng 1/2024, Việt Nam tăng xuất khẩu cà phê Robusta và Arabica so với tháng 12/2023, nhưng giảm xuất khẩu cà phê Excelsa và chế biến. So với tháng 1/2023, Việt Nam tăng xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê, ngoại trừ cà phê Arabica.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 1/2024, Việt Nam xuất khẩu cà phê Robusta đạt xấp xỉ 216,38 nghìn tấn, trị giá 613,57 triệu USD, tăng 15,4% về lượng và tăng 25,7% về trị giá so với tháng 12/2023, so với tháng 1/2023 tăng 68% về lượng và tăng 155,7% về trị giá.
Trong đó, Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta sang nhiều thị trường, như Italy, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines… Ngược lại, xuất khẩu cà phê Robusta sang một số thị trường truyền thống giảm, như Đức, Nhật Bản, Mỹ…
Tháng 1/2024, xuất khẩu cà phê Arabica đạt 5,25 nghìn tấn, trị giá 20,15 triệu USD, tăng 78,5% về lượng và tăng 83,1% về trị giá so với tháng 12/2023, nhưng so với tháng 1/2023 giảm 27,1% về lượng và giảm 25,7% về trị giá.
Trong đó, xuất khẩu cà phê Arabica sang nhiều thị trường ghi nhận mức tăng trưởng cao so với tháng 12/2023 và so với tháng 1/2023, như: Mỹ, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, và Nga.