Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị nghiên cứu kỹ 22 nhóm thông tin được tích hợp vào cơ sở dữ liệu căn cước để đảm bảo khả thi, tránh lãng phí.
Chiều 2/6, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày tờ trình dự án Luật Căn cước. Điều 16 dự thảo nêu hơn 22 nhóm thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước, trong đó có tên khai sinh, số định danh, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi đăng ký khai sinh, quê quán, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, nhóm máu, đặc điểm nhân dạng, ảnh chân dung, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói, nghề nghiệp…
Báo cáo thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng việc tăng cường chia sẻ, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu sẽ nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, tiệm cận với xu thế chung của thế giới. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị nghiên cứu kỹ từng loại thông tin tích hợp để đảm bảo hiệu quả, theo nguyên tắc “chỉ cập nhật, quản lý thông tin thật sự cần thiết, được sử dụng phổ biến”.
Ủy ban đề nghị bỏ một số thông tin thiếu tính ổn định như nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, tình trạng khai báo tạm vắng, mối quan hệ với chủ hộ, số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử. Để bảo đảm tính chính xác, thông tin này phải được cập nhật thường xuyên khi công dân thay đổi.
Bên cạnh đó, quy định về nhóm máu và mống mắt, AND, giọng nói chỉ nên được thu thập, cập nhật khi công dân có yêu cầu; thông tin về nghề nghiệp nên quy định “trừ công an, quân đội và cơ yếu”.
Cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với quy định tại Điều 23 dự thảo Luật, nêu các trường thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác. Việc tích hợp thông tin này sẽ góp phần giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong giao dịch hành chính, dân sự.
Tuy nhiên, Ủy ban cũng cho rằng tích hợp thông tin cá nhân vào thẻ căn cước trong trường hợp mất thẻ và chờ được cấp lại thì sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng thông tin tích hợp, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền công dân.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận tổ dự án luật ngày 10/6 và thảo luận hội trường ngày 22/6.
Theo Bộ Công an, chip điện tử trên thẻ căn cước có thể được sử dụng đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng; tích hợp ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước. Căn cước gắn chip giúp công dân xác thực thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe, từng bước thay thế các giấy tờ của người dân trong một số giao dịch theo quy định pháp luật.
Cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ được trí tuệ nhân tạo tổng hợp, phân tích, dự báo để phục vụ điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và hoạch định chính sách kinh tế, xã hội.