Liên quan đến tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân trong vụ ngộ độc tại Long Biên điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân ngộ độc phức tạp, nhưng tất cả bệnh nhân đã ổn định và đang được ra viện.
Liên quan đến tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân trong vụ ngộ độc tại Long Biên điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân ngộ độc phức tạp, nhưng tất cả bệnh nhân đã ổn định và đang được ra viện.
Ngày 31/12, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, liên quan đến tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân trong vụ ngộ độc tại Long Biên điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân ngộ độc phức tạp, nhưng tất cả bệnh nhân đã ổn định và đang được ra viện.
Bệnh nhân thở máy của vụ ngộ độc đã được rút ống. |
Trước đó, trong đêm 19 và ngày 20/12, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận 14 trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm.
Đây đều là những người tham gia tiệc liên hoan tại một nhà hàng ở Long Biên, Hà Nội. Sau đó, từ ngày 21/12 đến 24/12, Bệnh viện tiếp nhận thêm 5 ca, cũng là những người có tham gia tiệc vào ngày hôm đó để kiểm tra hoặc có các triệu chứng nhẹ nhập viện.
Tổng số người nhập viện điều trị, kiểm tra lên tới 19 ca. Tuy nhiên, tất cả các ca đến sau đều nhẹ, hồi phục nhanh chóng và được ra viện. Các trường hợp này đều có điểm chung là không uống rượu.
Tính đến sáng 31/12, các ca bệnh bị ngộ độc thực sự (14 ca) đã cải thiện tốt. 8 bệnh nhân đã được xuất viện. Tất cả các trường hợp bị ngộ độc nguy kịch ban đầu (5 ca) có toan chuyển hóa nặng, suy hô hấp nặng, sốc, rối loạn ý thức, hôn mê, phải hồi sức tích cực và lọc máu, đã tỉnh táo, được rút ống nội khí quản và có thể thở bình thường. Các ca này vẫn đang tiếp tục được điều trị và theo dõi, hy vọng các tổn thương sẽ dừng lại và cải thiện.
Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đặc điểm chung của các bệnh nhân là tất cả đều uống loại rượu trắng trong bình sứ (sau này được biết là do đơn vị tổ chức sự kiện mang tới). Khi uống, nhiều người nhận thấy rượu có mùi lạ nên đã dừng lại và chuyển sang đồ uống khác.
Ngộ độc xuất hiện muộn, hầu hết sau 6 giờ hoặc lâu hơn sau bữa ăn, với các biểu hiện như đau đầu, buồn nôn, một số có đau bụng, sốt, tiêu chảy nhẹ, mạch nhanh. 5 bệnh nhân có biểu hiện rối loạn ý thức, suy hô hấp, tụt huyết áp.
Xét nghiệm cho thấy tất cả các bệnh nhân đều có nhiễm toan chuyển hóa với lactat máu tăng cao, không phải do mất nước, suy hô hấp hay nhiễm trùng. Nhiều bệnh nhân có dấu hiệu cơ tim bị ức chế, một số có tổn thương cơ tim và gan nhẹ. 3 ca có tổn thương não trên phim chụp cộng hưởng từ.
Xét nghiệm máu tại Trung tâm Chống độc không thấy các loại cồn ethanol hay methanol, tuy nhiên, nghi ngờ có sự hiện diện của acetonitrile và đơn vị đã báo các cơ quan xét nghiệm khác để phối hợp xác nhận kết quả.
Kết quả xét nghiệm từ Viện Kiểm nghiệm An toàn thực phẩm Quốc gia và Viện Pháp y Quốc gia cho thấy trong máu và nước tiểu của tất cả các bệnh nhân đều có chất acetonitrile và xianua.
Trong mẫu rượu của các bệnh nhân đã uống, nồng độ chất acetonitrile là khoảng 16%, methanol là khoảng 10%. Ngoài ra, xét nghiệm PCR với phân và dịch dạ dày của 5 bệnh nhân cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn E.coli và Campylobacter.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, acetonitrile (CH₃CN) là một hóa chất hữu cơ được sử dụng làm dung môi trong công nghiệp, trong chiết xuất dược liệu, pin lithium và đặc biệt được dùng trong các máy xét nghiệm sắc ký để kiểm tra thuốc, độc chất… Đây không phải là thành phần sinh ra trong quá trình sản xuất rượu trắng.
Nguyên nhân chính của vụ ngộ độc này là hóa chất acetonitrile có lẫn trong rượu vì lý do nào đó. Khi vào cơ thể, acetonitrile chuyển hóa chậm thành xianua và gây độc chậm với triệu chứng xuất hiện muộn sau nhiều giờ.
Trung bình, sau khi uống từ 3 đến 12 giờ, thậm chí tới 24 giờ, các triệu chứng ngộ độc mới xuất hiện. Nếu bệnh nhân uống rượu cùng lúc thì tốc độ chuyển hóa gây độc của acetonitrile sẽ chậm hơn và biểu hiện ngộ độc có thể xuất hiện chậm tới 48 giờ sau khi uống.
Chất chuyển hóa của acetonitrile, xianua, là một chất cực độc, ức chế hô hấp tế bào, gây chết tế bào và tổn thương các cơ quan khác nhau, đặc biệt là tim mạch và não.
Bệnh cảnh chính có thể là đau đầu nhẹ, nhưng nặng thì bệnh nhân có thể hôn mê, co giật, mạch nhanh, tụt huyết áp, tổn thương tim, não… với tổn thương đa cơ quan và đặc biệt là nhiễm toan chuyển hóa tăng cao lactat, tỷ lệ tử vong rất cao.
Nhiều người trong vụ ngộ độc này đã được cứu sống nhờ vào việc thời gian chuyển hóa gây độc của acetonitrile chậm, các bác sỹ có thời gian để kịp thời cấp cứu, hồi sức, giải độc và thải độc cho các bệnh nhân trước khi các tổn thương nặng có thể gây tử vong.
Hiện tượng chuyển hóa gây độc chậm này cũng gặp trong ngộ độc xianua do ăn quá nhiều sắn, măng. Tuy nhiên, với các loại xianua như natri xianua và kali xianua, ngộ độc xảy ra gần như ngay lập tức và tỷ lệ tử vong rất cao, như thỉnh thoảng đã xảy ra.
Về nồng độ các chất độc, nồng độ acetonitrile trong máu của 14 bệnh nhân đều rất cao, cao gấp hàng trăm lần so với nồng độ chấp nhận được.
Lý do các bệnh nhân uống rượu có cồn công nghiệp methanol, nhưng không bị ngộ độc chất này là vì nồng độ methanol và tổng lượng rượu uống chưa tới liều đủ gây ngộ độc.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, trong vụ ngộ độc này, biểu hiện ngộ độc của các bệnh nhân rất nặng và đa cơ quan. Có 3 bệnh nhân bị tổn thương não, 1 bệnh nhân bị tổn thương phổi nặng do chất độc gây ra.
Sau điều trị, một bệnh nhân đã cải thiện rõ rệt tình trạng tổn thương não và tiên lượng tổn thương sẽ biến mất sớm. Hai bệnh nhân còn lại đang chuẩn bị chụp cộng hưởng từ lại để kiểm tra diễn biến. Bệnh nhân bị tổn thương phổi đã hồi phục hoàn toàn. Các tổn thương gan và tim cũng đang cải thiện.
Với sự phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng và các đơn vị xét nghiệm, Trung tâm Chống độc đã rà soát các hóa chất nguy cơ có thể có trong rượu để theo dõi và điều trị cẩn thận cho các bệnh nhân. Tất cả các bệnh nhân đang cải thiện và tiếp tục được theo dõi, chăm sóc để đảm bảo sức khỏe hồi phục tốt nhất.
Nguồn: https://baodautu.vn/thong-tin-moi-nhat-vu-ngo-doc-thuc-pham-tai-long-bien-d237464.html