Kinhtedothi – Sáng 19/11, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP xem xét, thông qua các Nghị quyết quy định liên quan đến hợp đồng lao động thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành dùng chung; thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP…
Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức
HĐND TP đã thông qua Nghị quyết Quy định hợp đồng có thời hạn đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP, UBND cấp huyện.
Theo tờ trình của UBND TP, cơ sở chính trị, pháp lý để ban hành nghị quyết này theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/10/2012, phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” có một nội dung mang tính đột phá. Từng bước đổi mới chế độ công vụ, công chức theo hướng năng động, linh hoạt. Trước mắt, nghiên cứu quy định cho phép các cơ quan hành chính được ký hợp đồng lao động có thời hạn tối đa là 1 năm đối với một số vị trí để đáp ứng ngay yêu cầu của hoạt động công vụ. Về lâu dài, cần nghiên cứu sửa Luật cán bộ, công chức theo hướng có chế độ công chức hợp đồng.
Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022- 2026, trong đó nêu rõ chủ trương tiếp tục tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; biên chế được giao giai đoạn 2022 – 2026 không bao gồm lao động hợp đồng. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự quyết định việc sử dụng hợp đồng lao động và trả lương, phụ cấp cho lao động hợp đồng theo quy định từ ngân sách chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 15 Luật Thủ đô năm 2024, quy định: “Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP, Chủ tịch UBND cấp huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP, thuộc UBND cấp huyện”. Tại khoản 4 Điều 15 quy định: “HĐND TP quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này”.
Để bảo đảm thống nhất, giải quyết đồng bộ các chính sách và thể chế hóa đầy đủ quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế nhưng vẫn đảm bảo có đủ nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng, việc ban hành Nghị quyết về hợp đồng có thời hạn để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP, thuộc UBND cấp huyện là rất cần.
Cũng theo đánh giá từ thực tiễn của UBND TP, trong những năm gần đây, kinh tế – xã hội của Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc, mang tầm vóc của một đô thị lớn trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, yêu cầu về khối lượng, chất lượng công việc đối với các cơ quan, tổ chức hành chính ngày càng cao hơn.
Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu báo cáo tại niên giám thống kê và các quyết định giao biên chế công chức của Bộ Chính trị năm 2024 cho thấy: tỷ lệ công chức/người dân của cả nước là 1 công chức/750 người dân, của các cơ quan hành chính thuộc UBND TP Hà Nội là 1 công chức/1.139 người dân. Như vậy, tỷ lệ công chức/người dân của Hà Nội thấp hơn cả nước khoảng 1,5 lần. Để đảm bảo bằng mức trung bình của cả nước theo tinh thần Luật Thủ đô, các cơ quan hành chính của Hà Nội cần được giao bổ sung khoảng 3.000 biên chế công chức.
Trong khi đó, quy định hiện hành của pháp luật không cho phép các cơ quan hành chính được ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ dẫn đến nhiều cơ quan, đơn vị còn chỉ tiêu biên chế nhưng không có người làm việc do chưa tuyển đủ hoặc tuyển nhưng không được.
Từ thực tiễn nêu trên, việc ban hành Nghị quyết về hợp đồng có thời hạn để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP, thuộc UBND cấp huyện nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập nêu trên là rất cần thiết.
Đối tượng áp dụng gồm: người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP; Chủ tịch UBND cấp huyện. Người ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ với cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP, UBND cấp huyện; các cơ quan, cá nhân có liên quan thuộc TP.
Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn
Tiếp đó, HĐND TP cũng đã xem xét thông qua Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP; thuộc UBND quận, huyện, thị xã, TP thuộc TP Hà Nội.
Nghị quyết có 4 chương và 24 điều với nguyên tắc chung, bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện; tính thống nhất về quản lý ngành, lĩnh vực công tác. Không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác.
Bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính Nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; chỉ thành lập trong trường hợp thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn. Bảo đảm đúng điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định tại Nghị quyết này.
Trường hợp thành lập thêm cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thì bảo đảm số cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP không vượt quá 15% khung số lượng do Chính phủ quy định; tổng số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không vượt quá 10% khung số lượng do Chính phủ quy định.
Nghị quyết được thực hiện theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 4 Điều 9 Luật Thủ đô, nhằm đáp ứng yêu cầu phân cấp, phân quyền, chủ động trong quản lý tổ chức bộ máy, mục tiêu cải cách hành chính Nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nhanh nhay, kịp thời. Nghị quyết cũng nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập về tổ chức, bộ máy, giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đối tượng áp dụng là các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND TP, thuộc UBND cấp huyện và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Quy định trình tự, thủ tục thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập
Cũng tại kỳ họp chuyên đề, HĐND TP cũng đã thông qua Nghị quyết quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP Hà Nội. Đây cũng là nghị quyết thực hiện khoản 3 Điều 10 Luật Thủ đô.
Theo UBND TP Hà Nội, cơ sở thực tiễn trình HĐND TP nội dung này bởi hiện nay, UBND TP có 22 đơn vị đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP quản lý (đơn vị sự nghiệp công lập cấp 1); 307 đơn vị sự nghiệp thuộc các sở và các chi cục thuộc sở; 2282 đơn vị sự nghiệp thuộc UBND quận, huyện, thị xã (đơn vị sự nghiệp công lập cấp 2, cấp 3). Việc thành lập, tổ chức lại và giải thể đơn vị sự nghiệp công lập cấp 2, cấp 3 theo quy định hiện nay thuộc thẩm quyền quyết định của UBND TP, đã được quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ, Quyết định số 25/2021/QĐ- UBND ngày 19/11/2021 của UBND TP và đang được áp dụng triển khai thực hiện.
Việc thành lập, tổ chức lại và giải thể các đơn vị sự nghiệp cấp 1 hiện nay thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định (theo quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP). Khoản 3 Điều 10 của Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 28/6/2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND TP. Cụ thể, căn cứ vào nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật, quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND TP theo trình tự, thủ tục do HĐND TP quy định”. Do vậy việc thành lập đơn vị sự nghiệp cấp 1 nêu trên sẽ thuộc thẩm quyền của UBND TP quyết định theo trình tự, thủ tục HĐND TP quy định.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ, việc tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập là sắp xếp, kiện toàn lại đơn vị sự nghiệp công lập dưới các hình thức: chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; hoặc điều chỉnh tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ để hình thành đơn vị sự nghiệp công lập mới. Do vậy, để triển khai việc thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp thuộc UBND TP theo quy định tại Luật Thủ đô, các văn bản hướng dẫn hiện hành và đảm bảo xuyên suốt, tổng thể, thống nhất theo đặc thù của Thủ đô. Góp phần giảm thiểu thời gian và thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng quản lý tổ chức, bộ máy, cần thiết phải xây dựng Nghị quyết ban hành quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP Hà Nội.
Nghị quyết gồm 3 Chương, 13 Điều. Việc xây dựng Nghị quyết đảm bảo quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Các quy định đảm bảo theo thẩm quyền quy định của Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn hiện hành; đảm bảo tính tổng thể, thống nhất.
Đối tượng áp dụng là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Nội dung cơ bản của Nghị quyết là quy định trình tự, thủ tục thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP, bao gồm: Trình tự, thủ tục thành lập đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP; trình tự, thủ tục tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP (về trình tự, thủ tục cụ thể hóa bằng các Điều được sắp xếp theo thứ tự các bước thực hiện, quy định cụ thể các bước từ xây dựng dự thảo Đề án, Tờ trình thành lập, nội dung hồ sơ, nội dung thẩm định, Quyết định thành lập, thời hạn giải quyết xử lý hồ sơ).
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/thong-qua-quy-dinh-ve-thanh-lap-to-chuc-lai-giai-the-co-quan-to-chuc-hanh-chinh-don-vi-su-nghiep-thuoc-ubnd-tp-ha-noi.html