Kinhtedothi – Ngày 10/12, tại Kỳ họp lần thứ 20 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, với 100% đại biểu có mặt tán thành đã thông qua 2 Nghị quyết liên quan đến Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Cụ thể đó là Nghị quyết Quy định việc quản lý, sử dụng tài sản công của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và các đơn vị sự nghiệp thuộc TP quản lý trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (thực hiện điểm d và đ khoản 2 và khoản 4 Điều 24 Luật Thủ đô) và Nghị quyết Quy định về tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả của người sử dụng đất, tiền sử dụng hạ tầng và tiền xử lý nước thải tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (thực hiện điểm c, d khoản 4 Điều 24 Luật Thủ đô).
Quy định mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc
Trong đó, Nghị quyết quy định nguyên tắc xác định mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả quy định mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả mà nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (sau đây gọi tắt là người sử dụng đất) phải nộp cho ngân sách Nhà nước được xác định theo công thức sau.
Mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả (đồng/m2) bằng tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc/tổng diện tích đất các khu chức năng của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc quy định tại khoản 1 Điều này được xác định trên cơ sở giá trị chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án có cấu phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo nguyên tắc như sau: Giá trị chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án đã hoàn thành được xác định theo giá trị quyết toán do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp chưa được phê duyệt quyết toán thì lấy theo chi phí thực tế đã thực hiện.
Giá trị chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án đang thực hiện chưa hoàn thành được xác định theo giá trị dự toán do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp không có dự toán thì lấy theo giá trị tổng mức đầu tư đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 5 của Nghị quyết xác định và ban hành mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả. Cụ thể, căn cứ các nguyên tắc tại Điều 4 Nghị quyết này, Ban Quản lý xác định và phê duyệt mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều này tương ứng với thời hạn sử dụng đất từ 50 đến 70 năm và được giữ ổn định trong 5 năm kể từ ngày ban hành.
Sau khi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hoàn thành, Ban Quản lý rà soát và báo cáo UBND thành phố để báo cáo HĐND thành phố xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng hoàn trả đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 1 Điều này hoặc điều chỉnh mức thu cho phù hợp với điều kiện thực tế của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Quản lý, sử dụng tài sản công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào mục đích kinh doanh
Đối với Nghị quyết quy định việc quản lý, sử dụng tài sản công của Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nêu rõ, việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phải đảm bảo nguyên tắc. Cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; không làm mất quyền sở hữu về tài sản công; bảo toàn và phát triển vốn, tài sản Nhà nước giao.
Việc sử dụng tài sản đúng mục đích được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản; tính đủ khấu hao tài sản cố định, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác với Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hiến, biếu, tặng, cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ và hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho Ban Quản lý Khu Công nghệ cao hoặc các đơn vị sự nghiệp được xác định là tài sản công hợp pháp của đơn vị trực tiếp tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài sản và phải được quản lý, sử dụng tài sản theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Điều 4 của Nghị quyết quy định các trường hợp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Cụ thể, đơn vị sự nghiệp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để cung cấp các dịch vụ cho các hoạt động công nghệ cao, cung cấp thiết bị dùng chung, cung cấp không gian làm việc, nghiên cứu, ươm tạo, thử nghiệm và trình diễn công nghệ để hỗ trợ các hoạt động công nghệ cao, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Tiếp theo đó là đơn vị sự nghiệp sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết trong các trường hợp được quy định tại pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.
Trước đó, trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Triển khai thực hiện hiệu quả quy định tại Luật Thủ đô, tạo hành lang pháp lý để Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Thành phố trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc quản lý, sử dụng tài sản công hiệu quả, đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đối với tiền bồi thường GPMB hoàn trả của người sử dụng đất, tiền sử dụng hạ tầng: Khu CNC Hòa Lạc chỉ có thể áp dụng được phương pháp tính bình quân do công tác GPMB được thực hiện tổng thể cho toàn bộ diện tích mà không thực hiện GPMB riêng rẽ cho từng lô đất quy hoạch. Tuy nhiên trên thực tế, Khu CNC Hòa Lạc chưa thể xác định được tiền bồi thường GPMB hoàn trả theo quy định tại Nghị định số 35/2017/NĐ-CP do chưa hoàn thành GPMB trọn vẹn cho một phân khu chức năng hoặc cho toàn bộ khu công nghệ cao. Những khó khăn, vướng mắc này dẫn đến việc Ban Quản lý chưa thu được khoản tiền này vào ngân sách Nhà nước và các nhà đầu tư tại Khu CNC Hòa Lạc chưa có căn cứ để hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và chưa được cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Việc xác định, thu, nộp và sử dụng tiền sử dụng hạ tầng đối với các công trình do Nhà nước đầu tư và tiền xử lý nước thải tại Khu CNC Hòa Lạc được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017. Thực tế trong những năm qua, Ban Quản lý đã ban hành mức thu tiền sử dụng hạ tầng đối với các công trình do Nhà nước đầu tư và tiền xử lý nước thải theo các quy định này, đã tổ chức thu tiền vào tài khoản của Ban Quản lý để thực hiện công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống xử lý nước thải, bên cạnh nguồn kinh phí cấp bù từ ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã gặp những vướng mắc, bất cập như: một số chi phí và số liệu phải tạm tính để xác định mức thu; không có chế tài xử lý các trường hợp không nộp, chậm nộp; không có chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho một số đối tượng như cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp;việc nộp tiền vào tài khoản của Ban Quản lý để trực tiếp sử dụng cũng phát sinh nhiều bất cập do các hành lang pháp lý liên quan còn chưa rõ ràng.
Do vậy, để triển khai thực hiện Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 và để tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của Khu CNC Hòa Lạc, việc xây dựng Nghị quyết của HĐND TP quy định về tiền bồi thường GPMB hoàn trả của người sử dụng đất (bao gồm việc xác định mức thu, việc thu, nộp, sử dụng tiền bồi thường GPMB hoàn trả; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với một số trường hợp cụ thể) và quy định về tiền sử dụng hạ tầng và tiền xử lý nước thải (bao gồm việc xác định mức thu, việc thu, nộp, sử dụng tiền sử dụng hạ tầng, tiền xử lý nước thải và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập) là cần thiết, phù hợp với thẩm quyền và nhiệm vụ được giao tại Luật Thủ đô.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/thong-qua-nghi-quyet-quan-ly-tai-san-cong-tai-khu-cong-nghe-cao-hoa-lac.html